You are here

Cần tăng cường cơ chế giám sát phát hiện lạm thu trong nhà trường

Lạm thu hiện nay là vấn đề không mới. Chúng ta đã nhận diện được thực tế này, nhưng tại sao vẫn không thể ngăn chặn triệt để việc lạm thu?

Những khoản thu vô lý được công khai nhiều hơn

Mỗi mùa tựu trường phần lớn các phụ huynh lại canh cánh một nỗi lòng. Năm qua, giá cả leo thang khiến nhiều gia đình đã phải chật vật, xoay sở cho cuộc sống, giờ lại thêm lo toan các khoản để con em mình vào năm học mới. Trong đó, khoản đóng góp dưới danh nghĩa Ban Đại diện Cha mẹ học sinh (CMHS) thu tiền cũng là một trong những nỗi lòng khó nói của nhiều bậc phụ huynh.

Cứ đến đầu năm học mới, các địa phương lần lượt ra công văn nghiêm cấm nạn lạm thu, chấn chỉnh các trường hợp thu sai quy định. Tuy vậy, những bức xúc của phụ huynh về những khoản thu vô lý đang được công khai ngày một nhiều hơn trên mạng xã hội…

Trong thời gian gần đây, chúng ta có thể nghe phản ánh của phụ huynh, Ban phụ huynh lớp 9/12 Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3, TP.HCM) đã đưa ra một bảng dự chi năm học 2022-2023 với 32 hạng mục. Tổng chi phí dự kiến cho cả năm học là hơn 270  triệu đồng. Với sĩ số 33 học sinh, tính bình quân mỗi học sinh đóng hơn 8 triệu đồng tiền quỹ lớp…

Tương tự, lớp 9/10 của trường này cũng dự chi hơn 165 triệu đồng quỹ phụ huynh cho năm học này, chia bình quân mỗi học sinh đóng hơn 3 triệu. Mặc dù sau đó, các lớp đã dừng thu tiền, nhưng vẫn khiến không ít phụ huynh bức xúc.

Trước đó, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) bị phê bình nghiêm khắc vì để xảy ra việc vận động phụ huynh góp tiền quỹ cho nhà trường 500.000 đồng/học sinh.

Rồi mới nhất, thông tin về việc trường THPT Marie Curie, TP Hồ Chí Minh thu phí nghỉ trưa 15.000 đồng/buổi với các em học sinh cũng đang được chia sẻ trên mạng xã hội với nhiều bình luận trái chiều.

Mặc dầu ngành Giáo dục cũng đã tích cực triển khai rất nhiều việc để ngăn chặn lạm thu. Đại diện Sở Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đã “gửi lời xin lỗi tới phụ huynh” và cho biết đã nghiêm khắc phê bình các hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị để xảy ra tình trạng thu phí ngoài quy định.

Tuy vậy, các bậc phụ huynh vẫn mong muốn các cơ quan Quản lý Nhà nước (QLNN) sẽ làm nhiều hơn thế, không chỉ là phê bình, hay khiển trách, mà phải xử lý nghiêm trách nhiệm của hiệu trưởng, người đứng đầu các cơ sở giáo dục.

Thậm chí là trách nhiệm hình sự, như vụ việc nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền, TP Hải Phòng vừa nhận mức án 42 tháng tù giam vì lạm thu, trục lợi cá nhân từ các khoản thu mà phụ huynh học sinh đóng góp cho nhà trường…là một ví dụ.

Tồn tại những “phiền nhiễu”

Vấn đề lạm thu không mới. Chúng ta đã nhận diện được thực tế này, nhưng tại sao vẫn không thể ngăn chặn triệt để việc lạm thu? Từ những quan sát trải nghiệm cá nhân, tôi có thể thấy rằng:

Việc đầu tư thực chất cho con người (giáo viên) và cho các hoạt động giáo dục ở trường là chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Trong công cuộc đổi mới toàn diện về giáo dục, có rất nhiều công việc mà các cơ sở giáo dục phải làm để giúp người học đạt các chuẩn đầu ra về phẩm chất và năng lực theo từng cấp học.

Tuy nhiên, có rất nhiều đầu việc cấp trên chỉ giao nhiệm vụ (Ví dụ như tổ chức các sự kiện, tổ chức mời chuyên gia nói chuyện chuyên đề…) nhưng lại không phân phối con người, và nguồn lực tài chính tương ứng thì các cơ sở giáo dục rất khó để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ giáo dục, nguồn kinh phí từ nhà nước sẽ không bao giờ đủ để thỏa mãn mọi nhu cầu của gia đình người học. Nhất là trong bối cảnh các gia đình luôn lấy mô hình tư thục ra để so sánh. Để vận hành trơn tru và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, Nhà trường sẽ phải tìm nhiều cách trong đó có việc huy động các nguồn lực xã hội hóa.

Mặc dầu chúng ta đã có thông tư 55 (về những khoản không được thu) nhưng lại chưa có hướng dẫn rõ ràng cần phải làm như thế nào để việc huy động nguồn lực “xã hội hóa” phải thực sự minh bạch, tự nguyện theo đúng bản chất của tự nguyện chứ không phải là sự gợi ý đằng sau.

Chưa có cơ chế hướng dẫn để đảm bảo việc huy động sẽ không gây ra bất kỳ một sự kỳ thị, áp lực hoặc ứng xử bất bình đẳng nào giữa những học sinh ở trong trường.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải trung thực với nhau rằng trong hệ thống vẫn còn tồn tại những “phiền nhiễu”. Rất nhiều lãnh đạo các cơ sở giáo dục năng nổ, nhiệt tình, đang được quy hoạch vào những vị trí cao hơn sẽ thường xuyên được chỉ định giao nhiệm vụ tổ chức tất cả sự kiện, lễ kỷ niệm, tiếp đón tất cả các đoàn khách cho Phòng/ Sở và làm hài lòng các bên liên quan.

Trong khi đó, những khoản kinh phí này sẽ chẳng thể quyết toán vào đâu được. Nếu không thể thu từ phụ huynh, chẳng lẽ lại cắt vào khẩu phần ăn của các cháu.

Bản thân một số phụ huynh cũng đang góp phần làm cho vấn nạn lạm thu trở nên khó chấm dứt. Nếu nhiều người ngay từ đầu xác định tham gia vào ban phụ huynh đã tự mặc định sẽ trở thành người thu quỹ và thủ quỹ giống như họ vẫn thường xung phong làm trưởng nhóm trong hội bạn cũ hoặc các nhóm sở thích thì cũng khó tránh những khoản thu/chi ngoài quy định do chính ban phụ huynh đề xuất.

Tăng cường cơ chế giám sát phát hiện lạm thu

Để tuyên chiến với nạn lạm thu một cách triệt để, một mặt, chúng ta cần tiếp tục công khai, minh bạch, giáo dục nhận thức cho cộng đồng về những khoản được thu, không được thu (theo thông tư 55) trên mạng xã hội, trên trang tin điện tử của các cơ quan quản lý, trang điện tử của Nhà trường và thậm chí bảng thông báo vật lý trong không gian nhà trường.

Mặt khác, chúng ta phải tăng cường các nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục một cách tương xứng, giám sát sử dụng một cách hiệu quả, làm thế nào để những chiếc máy cái tạo ra giá trị của một ngôi trường chính là giáo viên với hoạt động giáo dục của họ có cuộc sống đảm bảo chất lượng để họ yên tâm công tác.

Cũng cần nghiên cứu sớm có những hướng dẫn để Nhà trường có thể gây quỹ xã hội hóa một cách hợp pháp, ví dụ các trường có thể sáng tạo tổ chức các cuộc thi trình diễn tài năng, đấu giá nghệ thuật, chạy bộ để gây quỹ.

Thực tế, trong xã hội hiện tại, cũng có nhiều gia đình có phụ huynh thành đạt và có mong muốn đóng góp cho giáo dục. Vấn đề là cần có những hướng dẫn hay quy định về giới hạn thông tin quyên góp để tránh mọi nguy cơ đối xử không công bằng giữa người học trong nhà trường.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường cơ chế giám sát phát hiện lạm thu, hoặc những sự kỳ thị, đối xử sai khi không thực hiện những khoản thu. Có thể lập đường dây nóng để nhận các phản ánh về việc đóng góp sai.

Việc xử lý về các khoản lạm thu chúng ta cần xử lý người đứng đầu. Bản thân người đứng đầu Nhà trường luôn là người hiểu biết rõ những khoản thu nào đúng, những khoản thu nào là lạm dụng nên cũng cần xử lý cho thật nghiêm.

Để tránh lạm thu, chúng ta cũng cần phải tuyên chiến với cả những “tham nhũng vặt” hay những “phiền nhiễu tiếp khách” đối với các cơ sở giáo dục. Hãy để các nguồn lực của Nhà trường được dành chủ yếu cho hoạt động giáo dục chứ không phải chủ yếu cho ngoại giao.

Cuối cùng, mỗi bậc phụ huynh cần thảo luận cẩn thận để chọn ra ban đại diện phụ huynh thật chính danh, chính trực, đúng chất, hoạt động vì quyền lợi của các con học sinh chứ không phải vì quyền lợi của những bên khác để đổi lấy quyền lợi của riêng con mình.

PGS.TS Trần Thành Nam



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE