You are here

Đâu phải hứa suông!

Mấy hôm nay dư luân lại nóng lên câu chuyện tiền lương cho giáo viên. Họ nói là đã từ lâu rồi, không ít giáo viên trông chờ vào lời hứa tăng lương. Vậy mà kết quả là nhiều giáo viên không còn niềm tin vào những lời hứa nữa, đành phải xin nghỉ việc, tìm nghề khác có thể sống được bằng lương.

Cuối tuần, nhóm bạn hưu trí đàm đạo ở nhà ông Bình.

- Bây giờ người ta toàn hứa lấy lệ thôi các ông ạ. Hứa để cho người khác tin, rồi làm hay không cũng không ai biết, không ai hay. Thế có phải là “mị dân” không? - Ông Bình lên tiếng.

Ông Trung ngạc nhiên:

- Có chuyện gì mà ông nói sâu xa thế?

- Thì ông xem, mấy hôm nay dư luận lại nóng lên câu chuyện tiền lương cho giáo viên. Họ nói là đã từ lâu rồi, không ít giáo viên trông chờ vào lời hứa tăng lương. Vậy mà kết quả là nhiều giáo viên không còn niềm tin vào những lời hứa nữa, đành phải xin nghỉ việc, tìm nghề khác có thể sống được bằng lương.

- Vậy là “hứa suông”, “hứa cho có” à? Mà trên mạng xã hội còn có mấy diễn đàn đang bàn luận sôi nổi, thậm chí kêu gọi tập hợp ý kiến, nguyện vọng của giáo viên.

Ông Trung vừa nói vừa đưa điện thoại cho mọi người xem. Trên một số trang Facebook đăng tải thư ngỏ, thư hiến kế của một số giáo viên, hoặc những video clip thể hiện ý kiến về chuyện lương và phụ cấp, rồi so sánh chất lượng sống của giáo viên ở nước ta với nước này, nước kia...

Lúc này, ông Kiên là giáo viên nghỉ hưu mới lên tiếng:

- Các ông nói như vậy là hoàn toàn sai rồi. Tôi cũng đồng ý với hai ông là việc hứa mà không thực hiện thì không tốt. Nhưng nói đi thì cũng phải nghĩ lại cho thấu đáo. Ngành giáo dục có số lượng công chức, viên chức rất lớn. Chỉ một điều chỉnh nhỏ về bảng lương của giáo viên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo đảm của ngân sách. Mà tăng lương cho giáo viên đòi hỏi sự chuẩn bị, thảo luận kỹ của Quốc hội, Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ chuẩn bị các phương án, đề xuất, kiến nghị chứ không tự quyết được.

Thấy mọi người có vẻ trầm ngâm, ông Kiên tiếp lời:

- Các ông nói là nhiều người đứng đầu ngành khi nhậm chức hứa theo kiểu “mị dân”, “gieo niềm tin” là nói theo các trang mạng phản động, xuyên tạc. Các ông xem những ý kiến trang đó đăng tải là của giáo viên ở trường nào, hay của những kẻ tự xưng, những người bất mãn. Sao các ông không nhớ đến những ý kiến tâm huyết, mang tính xây dựng như tại cuộc gặp mặt trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục mới đây? Đó sẽ là cơ sở để giải bài toán khó này. Khi “tư lệnh ngành” trăn trở, Chính phủ đang tìm cách tháo gỡ khó khăn, các ông không ủng hộ thì thôi, lại nghe lời xuyên tạc, rồi suy diễn, phát ngôn như vậy là vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá.

Nghe đến đấy, ông Trung gật gù đồng tình, còn ông Bình thì chân thành:

- Chúng tôi hiểu bản chất vấn đề rồi. Cũng mong sao không chỉ người đứng đầu mà ai cũng “nói lời phải giữ lấy lời” để không bị các phần tử phản động, bất mãn lợi dụng chống phá!

TRẦN CHIẾN



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ PHÁT SÓNG

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE