You are here
Yêu lịch sử dân tộc từ “Sự sinh thành Việt Nam”
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn (1937-2019) là một trong những nhà sử học hàng đầu Việt Nam trong thế kỷ 20, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt II, năm 2001.
GS Hà Văn Tấn đã công bố 250 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước; là chủ biên và đồng tác giả chủ biên gần 30 đầu sách về lịch sử và khảo cổ học Việt Nam. Chỉ cần sơ lược vài dòng tiểu sử, sự nghiệp như vậy để thấy tầm vóc, uy tín và sự uyên bác của GS Hà Văn Tấn đối với nền sử học nước nhà. Cách đây 5 năm, khi đúng ở tròn độ tuổi “bát tuần”, GS Hà Văn Tấn đã cho ra đời cuốn sách “Sự sinh thành Việt Nam” do Nhà xuất bản Thế giới phát hành.
Tôi đã đọc nhiều cuốn sách về văn hóa, lịch sử Việt Nam, nhưng khi cầm trên tay cuốn “Sự sinh thành Việt Nam” của GS Hà Văn Tấn vẫn bị cuốn hút bởi lối viết giản dị, dễ hiểu về lịch sử nước Việt thể hiện ở hơn 100 bài viết. Đây là những bài viết đăng trong chuyên mục “The making of Vietnam” trên tuần báo tiếng Anh Vietnam weekly của Thông tấn xã Việt Nam vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Với sự nghiên cứu chuyên sâu hơn nửa thế kỷ về lịch sử dân tộc Việt Nam, tác giả đã dày công dựng nên một bức tranh toàn cảnh về sự hình thành, ra đời, xây dựng, đấu tranh và phát triển của lịch sử nước Việt trong chiều dài hơn hai nghìn năm. Đây là những bài báo được dịch ra tiếng Anh, phục vụ độc giả nước ngoài, vì thế, cấu trúc mỗi bài viết thường ngắn gọn, dễ tiếp cận, dễ đọc, dễ hiểu, qua đó giúp bạn đọc hiểu về những “lát cắt”, dấu ấn, đặc trưng nổi bật của từng thời kỳ, từng thời đại trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời đại Hùng Vương đến triều đại Tây Sơn kết thúc vào cuối thế kỷ 18.
Từ những thông tin đáng tin cậy trong cuốn sách, bạn đọc nhìn từng mảnh, từng bộ phận mà vẫn có thể hình dung được toàn cảnh lịch sử dân tộc Việt, thấy được những cuộc “đối đầu lịch sử” của người dân Việt trong cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ chống ách ngoại bang xâm lược để dựng nước và giữ nước. Và lịch sử dân tộc Việt càng trở nên sáng rõ bởi mỗi thời kỳ, mỗi triều đại đều nối tiếp nhau sáng tạo ra những di sản văn hóa đặc trưng, góp phần làm cho dòng chảy văn hóa Việt không ngừng được bồi đắp, lưu giữ, phát huy từ đời này qua đời khác. Đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm tới độc giả, nhất là những người nước ngoài thêm hiểu về hành trình “Sự sinh thành Việt Nam” là một sự sinh thành trong gian khó, đầy thử thách, đầy khắc nghiệt, song vốn mang trong mình “gen” văn hóa yêu nước thương nòi, cố kết cộng đồng, hòa hiếu, khoan dung nên dân tộc và con người Việt Nam đã không ngừng lớn lên, trưởng thành.
Có thể nói rằng, sự uyên thâm của một nhà sử học nổi tiếng và cách tiếp cận khoa học lịch sử gần gũi, cách viết giản dị của các bài trong cuốn “Sự sinh thành Việt Nam” như một “bảo chứng bằng vàng” về giá trị khoa học, giá trị thông tin, giá trị thuyết phục của cuốn sách chuyên đề về lịch sử dân tộc Việt. Đọc cuốn sách này, chúng ta càng thêm hiểu, thêm trân quý, thêm tin yêu lịch sử của các thế hệ ông cha ta đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để làm nên hình hài nước non và giữ gìn núi sông, bờ cõi cho Tổ quốc Việt Nam ta có được cơ đồ, vị thế như hôm nay.
THUẬN ĐỨC