You are here

Văn bằng Đại học: Nếu không còn phân loại…

Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý về Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (GDĐH), bao gồm: Bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự. Theo dự thảo, nội dung chính ghi trên văn bằng sẽ đồng nhất, không còn phân loại khá hay giỏi, chính quy hay tại chức.

Quy định mới sẽ tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp ĐH có cơ hội ngang nhau trong tuyển dụng lao động.

Điều này cũng phù hợp với Luật GDĐH sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/7/2019, theo quy định các loại hình đào tạo ĐH có giá trị như nhau. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều băn khoăn, lo lắng, thậm chí là hoài nghi về độ “vênh” trong chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra ở các loại hình đào tạo khác nhau.

Theo như quy định hiện hành thì văn bằng ĐH có ghi xếp loại tốt nghiệp: Xuất sắc, Giỏi, Khá, Trung bình khá hoặc Trung bình; Hình thức đào tạo ghi: “Chính quy” hoặc “Vừa làm vừa học”, “Học từ xa”, “Tự học có hướng dẫn”. Đối với ngành kỹ thuật ghi “Bằng kỹ sư”; ngành kiến trúc ghi “Bằng kiến trúc sư”; ngành Y ghi “Bằng Bác sĩ” hoặc “Bằng cử nhân”; ngành Báo chí ghi “Bằng Cử nhân”…. Còn theo tinh thần dự thảo Thông tư mới sẽ không còn các quy định trên.

Băn khoăn chất lượng đào tạo

Lâu nay, có một sự thật là hình thức đào tạo chính quy vẫn chiếm ưu thế hơn nhiều so với đào tạo không chính quy, kể cả chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo. Ngay cả người học cũng bày tỏ băn khoăn rằng, một khi vàng thau lẫn lộn như nhau thì chất lượng giáo dục sẽ ra sao?

Ngay sau khi Luật GDĐH được thông qua (ngày19/11/2018), theo các chuyên gia việc đánh giá bằng ĐH chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau là bước tiến, nhưng xã hội chưa thể công nhận ngay, do chất lượng đào tạo không đồng đều. TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT) cho rằng: Việc chỉ có một loại văn bằng, không phân biệt chính quy hay tại chức, là quy định phổ biến trên thế giới. Ông đánh giá điểm sửa đổi này phù hợp và có thể khuyến khích xã hội học tập. Vì thế, Luật GDĐH thừa nhận sự tương đương giữa các loại hình giáo dục khác nhau, không có sự phân biệt giữa chính quy và không chính quy, có thể xem là bước tiến về tư duy. Tuy nhiên, chất lượng đầu ra mới là mấu chốt, chứ không phải phân biệt giá trị văn bằng hay hình thức đào tạo. Ông cũng phân tích rằng, thừa nhận bằng chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau là cái đích xã hội mong muốn hàng chục năm nay, nhưng còn vướng trong quá trình triển khai. Nhiều trường rút bớt chương trình, hạ chuẩn đánh giá với hệ đào tạo không chính quy.

Vẫn theo ông Khuyến, với tình hình hiện tại, học riêng, thi cử riêng, đánh giá riêng, tất nhiên xã hội chưa thể công nhận hai văn bằng tương đương. “Đích để đi tới là để đảm bảo làm sao cho người học có trình độ ĐH được xã hội đánh giá bình đẳng với hệ chính quy chứ không chỉ là chuyện ghi hay không ghi hình thức đào tạo lên tấm văn bằng tốt nghiệp. Muốn vậy, khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý phải tăng cường chứ không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác của các trường”- ông Khuyến nhấn mạnh.

TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cũng cho rằng: Quy định bằng chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau là chính sách tiến bộ, tuy nhiên, xã hội vẫn nghi ngại giá trị văn bằng của hình thức đào tạo không chính quy. Bằng tại chức, liên thông, đào tạo từ xa chưa được xem trọng do thái độ người học, khâu kiểm soát chất lượng lỏng lẻo. Vì thế, Luật GDĐH đã thông qua rồi nhưng thực tế còn nhiều thách thức.

Liệu có sát thực tế?

Dù thế nào, câu chuyện đồng nhất văn bằng GDĐH đang mở ra những kỳ vọng mới về việc nâng cao chất lượng giáo dục ở hệ đào tạo này. Chỉ biết rằng thị trường lao động sẽ quyết định tất cả. Những cơ sở đào tạo không tuân thủ những quy định của Luật, chỉ thấy lợi nhuận trước mắt mà dễ dãi trong việc tuyển sinh, đào tạo, thì đầu ra của hệ ngoài chính quy sẽ bị trả giá bằng chính uy tín của đơn vị đào tạo đó.

Và mặc dù Bộ GDĐT khẳng định sẽ đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo, nhưng nhiều ý kiến cho rằng: Ngay cả chuẩn đầu ra của các chương trình chính quy cũng chưa thực sự đảm bảo chất lượng thì việc cấp bằng cho hệ đào tạo tại chức, vừa học vừa làm, liên thông, liên kết… như bằng chính quy vào thời điểm này là chưa hợp lý. Không phải ngẫu nhiên mà lâu nay xã hội vẫn phân biệt chất lượng các loại hình đào tạo khác chính quy. Thậm chí cách đây vài năm, một số địa phương từng có những văn bản (gây tranh cãi) về việc không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ ĐH tại chức vào làm do chất lượng đào tạo tại chức được đánh giá là đáng “báo động”.         

Theo Đại Đoàn Kết



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE