You are here

Sức mạnh của lòng biết ơn

Lòng biết ơn với nhà trường, thầy cô sẽ thúc đẩy sinh viên chia sẻ những điều tích cực về nhà trường, thầy cô. Nếu sinh viên trân trọng những trải nghiệm học tập của mình, họ sẽ truyền miệng những trải nghiệm tích cực đó với bạn bè, gia đình và sinh viên tiềm năng. Những thông tin truyền miệng tích cực này có ảnh hưởng đến việc lựa chọn trường đại học của sinh viên.

Đây là kết quả của nghiên cứu Lòng biết ơn thúc đẩy thông tin truyền miệng hơn lời cảm ơn mới được công bố trên Tạp chí Lý thuyết và Thực hành Marketing (Journal of Marketing Theory and Practice). Trong nghiên cứu này, TS. Fiona Cownie, Đại học Bournemouth (Vương quốc Anh) và các đồng sự của mình đã nghiên cứu cách sinh viên của các cơ sở giáo dục tại Anh, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia biểu hiện lòng biết ơn của mình với nhà trường, thầy cô và ảnh hưởng của lòng biết ơn đối với hành vi của sinh viên.

Theo đó, lòng biết ơn được biểu hiện theo các hình thức khác nhau, phù hợp với các quy tắc văn hóa của từng quốc gia. Không phải lúc nào sinh viên, đặc biệt là sinh viên các nước ASEAN cũng thể hiện lòng biết ơn của mình với nhà trường, thầy cô bằng lời cảm ơn. Tuy nhiên, sinh viên sẽ sẵn sàng chia sẻ những thông tin tích cực về nhà trường với những người xung quanh. Thông tin truyền miệng của sinh viên về nhà trường, thầy cô sẽ rất có ích cho nỗ lực tuyển sinh của nhà trường đồng thời thiết lập môi trường học tập trong đó mọi người đều cảm thấy được trân trọng.

Trên cơ sở kết quả, nhóm nghiên cứu đề xuất các trường đại học tăng cường kết nối cảm xúc với sinh viên. Với tư cách là “người làm phúc”, nhà trường cần mang lại trải nghiệm học tập tích cực cho sinh viên. Điều này không chỉ mang lại cho sinh viên sự hài lòng với chất lượng đào tạo mà còn góp phần thu hút các sinh viên mới.

Lòng biết ơn của sinh viên với nhà trường trở thành một thước đo về văn hóa và chất lượng đào tạo của nhà trường và là nguồn động viên, cảm hứng cho các thầy cô. Khi thầy cô tận tâm giảng dạy với mong muốn mang lại cho sinh viên những trải nghiệm tích cực, thầy cô giáo dục cho sinh viên lòng biết ơn một cách tự giác, tự nguyện.

Trong khi đó, sinh viên không nhất thiết phải biểu lộ lòng biết ơn của mình với nhà trường, thầy cô bằng những lời cảm ơn. Quan trọng hơn, với tư cách là đối tượng thụ hưởng, sinh viên cần và nên học tập thật tốt như biểu hiện của lòng biết ơn đối với nhà trường, thầy cô.

Sinh viên cần dành lòng biết ơn của mình không chỉ cho các thầy cô mà cả những người lao động bình thường trong nhà trường như lao công, bảo vệ. Lòng biết ơn với nhà trường, thầy cô trở thành một nguồn sức mạnh để sinh viên trân trọng quá trình và trải nghiệm học tập. Càng nhận thức đầy đủ và biết cách thể hiện lòng biết ơn của mình, sinh viên càng được nhiều người giúp đỡ và có cơ hội để thành công trong cuộc sống.

Trong các môi trường văn hóa bất đối xứng, người ta thường có xu hướng nghĩ rằng, bề dưới cần bề trên hơn bề trên cần bề dưới, giống như sinh viên cần thầy cô hơn thầy cô cần sinh viên. Quan niệm này chỉ mang tính tương đối bởi trong bất kỳ môi trường văn hóa và xã hội nào, người ta cũng cần mối quan hệ tương trợ, cộng sinh. Lòng biết ơn, trân trọng lẫn nhau giữa thầy cô và sinh viên trong nhà trường như vậy là lối đi hai chiều hơn là con đường một phía, thúc đẩy cả hai bên tiến bộ, đóng góp vào việc xây dựng văn hóa học đường thân thiện có sự trân trọng lẫn nhau giữa thầy và trò.

TS. Vũ Thanh Vân



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE