You are here

Khắc họa sâu sắc hơn về hình tượng nhà giáo trong văn học

Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Hàng nghìn năm qua, truyền thống ấy ngày càng được đề cao, phát triển phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước. Với tư cách là loại hình nghệ thuật quan trọng nhất của dân tộc trong suốt một thời gian dài, nền văn học Việt Nam cũng in bóng, phản chiếu hình ảnh những người thầy trong sự nghiệp "trồng người".

Biểu tượng đạo đức của người quân tử

Trong văn học dân gian, chúng ta gặp hình ảnh người thầy trong nhiều câu ca dao, tục ngữ. Đa phần các câu ca dao, tục ngữ đều đề cao vai trò, địa vị của người thầy trong xã hội, coi người thầy là một trong những nhân tố quan trọng, có tầm ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời của mỗi con người như: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Không thầy đố mày làm nên”; “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy”; “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”...

Bên cạnh việc tôn vinh, đề cao người thầy đích thực, văn học dân gian, nhất là thể loại truyện cười, cũng có không ít tác phẩm phê phán “thói hư tật xấu” của những thầy giáo “rởm” không xứng với vị thế cao quý như: “Tam đại con gà”, “Thầy đồ liếm mật”, “Thầy đồ làm biếng”... Có thể nói, bằng hai cảm hứng ngợi ca và phê phán trong những tác phẩm văn học dân gian, nhân dân ta đã bộc lộ quan niệm, nhận thức hết sức tinh tế, sâu sắc, toàn diện về người thầy.

Giờ học Ngữ văn tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Văn học trung đại Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm khắc họa hình ảnh người thầy. Đó là các thầy đồ-các nhà nho-dạy chữ “thánh hiền” cho học trò. Người thầy trong văn học trung đại thường hiện lên với vai trò bậc danh sư, mang đậm khí chất, vẻ đẹp của người quân tử lý tưởng theo quan niệm Nho giáo. Truyện “Hai nữ thần” trong “Thánh Tông di thảo” khắc họa hình ảnh người thầy-nhà nho can trường, chính trực, cả đời vì nước vì dân, sẵn sàng trừ khử yêu ma bảo vệ dân lành.

Ở truyện “Vị thần ở chằm Lân Đàm” trong “Lĩnh Nam chích quái liệt truyện”, người thầy đã khẩn cầu người học trò là con vua Thủy Tề làm mưa cứu nhân độ thế. Hình ảnh người thầy nổi bật nhất trong thời kỳ trung đại là Chu Văn An. Đặng Minh Khiêm trong "Chu An" đã ngợi ca Chu Văn An là người có khí tiết thanh cao (Thanh tu khổ tiết cao thiên cổ) như ngọn núi Thái Sơn khiến sĩ phu ngàn đời ngưỡng vọng: “Sĩ vọng nham nham ngưỡng Thái Sơn”.

Cụ “Tam nguyên Yên Đổ” Nguyễn Khuyến cũng hết lời ngợi ca bậc “vạn thế sư biểu” trong “Vịnh Chu Văn An”: “Si mị do kinh thất trảm chương/ Kính tiết dĩ bằng thiên địa bạch” (Dịch nghĩa: Ma quỷ còn khiếp sợ tờ sớ xin chém bảy người gian/ Khí tiết mạnh mẽ đã sáng tỏ cùng với đất trời).

Có thể nói, người thầy trong văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học trung đại, là biểu tượng của người quân tử có đạo đức thanh cao theo quan niệm của Nho giáo. Bản thân thầy giáo cũng là nhà nho, biết chữ “thánh hiền”, có khả năng sáng tác, trở thành đội ngũ đông đảo trong giới sáng tác, góp phần đưa văn học Việt Nam có bước phát triển lớn.

Cái nhìn đa chiều về người thầy

Bước sang thế kỷ 20, khi văn học Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, hiện đại hóa triệt để trên tất cả phương diện, hình ảnh người thầy cũng có những biến chuyển tương ứng. Người thầy giáo không còn “bó khuôn” trong hình ảnh nhà nho mà nằm trong loại hình nhân vật trí thức, không còn toát lên cái phi phàm của bậc danh sư mà trở về là một con người bình thường với những lo toan “rất đời, rất người”.

Văn học Việt Nam hiện đại bên cạnh dòng chủ lưu có từ văn học trung đại là ca ngợi sự thanh cao đạo đức, tấm gương hy sinh để làm nghề cao quý, đã bắt đầu tập trung vào người thầy như là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi về vật chất và cả tinh thần.

Mỗi người thầy đứng trên bục giảng đều mang trong mình một ước mơ, một lý tưởng lớn lao, tốt đẹp. Nhưng hiện thực cuộc sống nghiệt ngã đã dập tắt ước mơ của họ. Thầy giáo Thứ (“Sống mòn”, Nam Cao), thầy Tự (“Đám cưới không có giấy giá thú”, Ma Văn Kháng) tràn đầy hy vọng về cuộc sống ổn định với nghề nhưng đồng lương bèo bọt không đủ giúp họ trang trải cuộc sống ở thành thị đắt đỏ.

Cuộc đời của họ mãi quẩn quanh, “sống mòn” trong vòng tròn luẩn quẩn cơm, áo, gạo, tiền mà không thể nào thoát ra được. Không vướng bận chuyện kinh tế, thầy giáo Toản (“Một mình một ngựa”, Ma Văn Kháng) chỉ có mong ước là suốt đời được làm bạn với bảng đen, phấn trắng. Tuy nhiên, mong ước giản dị ấy của Toản cũng không thành hiện thực.

Anh bị điều chuyển sang làm công việc khác, không phù hợp với tính cách và năng lực của mình, để rồi gục ngã trong chốn quan trường. Nhân vật xưng “tôi”, một giảng viên đại học, trong tác phẩm “Giảng đường yêu dấu” của Mai Anh Tuấn đã chấm dứt mơ mộng về một môi trường giáo dục thân thiện, chân thành khi chứng kiến những mặt tối, mặt trái ở ngôi trường mình công tác. Bi kịch thứ nhất dẫn họ đến bi kịch thứ hai: Cuộc sống gia đình bất hạnh.

Thất vọng vì chồng nghèo không làm ra tiền nên Xuyến-vợ Tự đã ngoại tình dẫn đến gia đình tan nát. Bi kịch thứ ba và cũng là lớn nhất đó là sự tha hóa nhân cách. Vì miếng cơm manh áo, nhiều thầy giáo đã đánh mất đi một phần hoặc toàn bộ nhân phẩm đạo đức của mình. Thuật trong “Đám cưới không có giấy giá thú” đã tuyên bố rõ ràng dạy thêm là cách tốt nhất để tăng thu nhập. Cũng trong tác phẩm trên, Cẩm, Dương đã mờ mắt vì chức quyền nên nhẫn tâm hãm hại đồng nghiệp.

Bên cạnh việc xoáy vào những bi kịch, nhiều tác phẩm tập trung khắc họa bản lĩnh, tài năng và nhân cách người thầy trước những khó khăn, thử thách cam go mà cuộc sống mang lại. Các thầy giáo Tự, Thống, ông Biểu-cha Tự trong “Đám cưới không có giấy giá thú” dù cuộc đời vỡ mộng, bị bầm giập nhưng vẫn giữ vững tiết tháo của người thầy.

Thầy giáo Thiêm (“Gặp gỡ ở La Pán Tẩn”, Ma Văn Kháng) mặc dầu bị Quốc Thanh hãm hại, trù dập phải về xuôi công tác nhưng sau cùng, bằng tình yêu thương người dân và những em học trò vùng cao hiền lành, chân chất, anh đã trở lại La Pán Tẩn dạy học.

Lời tâm sự của già làng đối với Thiêm đã làm toát lên hình tượng, nhân cách người thầy cao đẹp: “Gặp trẻ nghèo thầy tặng vải vóc, áo quần. Thầy sẻ miếng lương eo hẹp thành nhiều phần cho các em. Học trò bỏ học, thầy tìm đến tận nhà nó bảo ban. Dốc cao đường trơn, thầy chống gậy đi. Gặp suối to, thầy bơi. Có bận còn cõng trò vượt lũ lớn. Xóm nhỏ nào cũng có dấu chân thầy. Thầy là bậc quân tử. Theo học thầy là theo minh sư, là có phúc lớn. Dân tôi mãi mãi ghi công ơn thầy”.

Cần có những tác phẩm sâu sắc hơn về hình tượng nhà giáo

Trên đây là một vài nét sơ thảo về hình ảnh người thầy trong văn học Việt Nam. Có thể nói, mặc dù giữ địa vị, vai trò quan trọng bậc nhất trong xã hội Việt Nam từ xưa đến nay, song hình ảnh người thầy trong văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học đương đại, còn khá mờ nhạt. Những tác phẩm, đặc biệt là tiểu thuyết, viết trực diện về đề tài giáo dục nói chung, nhà giáo nói riêng còn ít. Sở dĩ có hiện tượng này là do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về khách quan, từ khi đất nước đổi mới đến nay, các nhà văn có xu hướng chạy theo đề tài “hot”, dễ thu hút độc giả như cuộc sống giới trẻ thành thị, trinh thám, hình sự... nên hiếm khi quan tâm tới đề tài giáo dục. Về chủ quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đứng ra chủ trì, phát động những cuộc thi viết về người thầy một cách thường xuyên để tập hợp lực lượng, thu hút sự quan tâm của các nhà văn như một số ban, bộ, ngành khác.

Từ lần phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam phát động Cuộc thi “Truyện ngắn về nhà giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (2005-2006)” đến nay đã gần 20 năm, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa tổ chức thêm một cuộc thi văn học nào. Những tác phẩm thu về trong Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” do bộ này phát động liên tục trong thời gian qua đơn thuần chỉ là những bài báo có sức lan tỏa tốt, tạo hiệu ứng tích cực chứ không phải là những tác phẩm văn học có chất lượng về đề tài nhà giáo.

Vì vậy, thiết nghĩ bên cạnh những cuộc thi viết kỷ niệm sâu sắc hết sức thiết thực, bổ ích diễn ra trong thời gian ngắn như trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức những cuộc thi chuyên nghiệp “dài hơi”, tạo ra một “sân chơi” bình đẳng, thú vị, thu hút được đông đảo nhà văn tham gia để có được những tác phẩm xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các nhà giáo đối với sự nghiệp "trồng người".  

TS ĐOÀN MINH TÂM



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ PHÁT SÓNG

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE