You are here

“Vé thông hành” từ tấm Giấy Chứng nhận

Sau 10 năm thực hiện bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp đã phát hiện và tôn vinh hơn 1.600 sản phẩm tiêu biểu trên cả nước. Nhiều sản phẩm tạo dựng được vị trí vững chắc trên thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Rõ ràng, công tác bình chọn đã góp phần tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển, phát huy lợi thế địa phương.

Sản xuất bánh cu đơ tại cơ sở Phong Nga, Hà Tĩnh - một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có thể ví như “tấm vé thông hành” đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Cơ hội để mở rộng thị trường

Từ đầu năm đến nay, giá thành nguyên liệu sản xuất tăng trên 10% song Công ty TNHH MTV Đạt Thủy (Sơn La) vẫn duy trì sản xuất với sản phẩm chủ lực là quả mắc ca sấy. Đây cũng là 1 trong 4 sản phẩm của tỉnh Sơn La được Bộ Công thương bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2021.

Mắc ca sấy không phải là sản phẩm mới. Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Đạt, Giám đốc Công ty, việc được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ. Vượt ra ngoài tỉnh Sơn La, hiện sản phẩm được phân phối chủ yếu qua các đại lý lớn trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng… Đây cũng là lực đẩy cho doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, đầu tư, tích luỹ kinh nghiệm để hoàn thiện và đưa sản phẩm tốt nhất ra thị trường, xứng tầm là sản phẩm tiêu biểu cấp Quốc gia.

Theo Thông tư số 35/2010/TT-BCT của Bộ Công thương, việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ở cấp huyện và cấp tỉnh được tổ chức định kỳ hàng năm hoặc 2 năm/lần; cấp khu vực và cấp Quốc gia được tổ chức định kỳ 2 năm/lần và vào những năm chẵn, bắt đầu từ năm 2012. Sản phẩm tham gia bình chọn được chia theo 4 nhóm, gồm: nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống; nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí; nhóm các sản phẩm khác.

Đến nay, trong tổng số hơn 3.300 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp đã phát hiện và tôn vinh được hơn 1.600 sản phẩm tiêu biểu rộng khắp ở hơn 60 tỉnh, thành trong cả nước.

Tương tự, trong đợt tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Tuần lễ Festival Huế 2022 vừa qua, sản phẩm của cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh được khách hàng chọn mua khá nhiều.

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ cơ sở cho biết, sản phẩm đã được chứng nhận tiêu biểu cấp Quốc gia, khu vực và cấp tỉnh trong nhiều lần bình chọn, nhờ đó tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Nếu như trước đây, sản phẩm chỉ tiêu thụ tại địa phương thì hiện mỗi ngày, cơ sở sản xuất từ 3.000 - 4.000 bánh với thị trường rộng khắp cả nước.

Cũng giống như cơ sở sản xuất kẹo của bà Nguyễn Thị Nga, cơ sở sản xuất bánh Tâm Anh, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh do anh Phan Văn Đô làm chủ cũng mở rộng được thị trường với việc được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Anh Đô hào hứng cho biết, dù xây dựng thương hiệu chưa lâu nhưng các sản phẩm đã được người dân nhiều tỉnh, thành phố tin tưởng đón nhận. Hiện nay, với 3 cơ sở sản xuất kinh doanh, trung bình doanh thu từ sản phẩm bánh bông lan và bánh vừng đạt bình quân 5 - 6 triệu/ngày, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương…

Đây chỉ là ba trong số rất nhiều điển hình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được thị trường đón nhận. Tất cả sản phẩm có thế mạnh, mang nét đặc trưng của địa phương, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Nhiều sản phẩm đã dần khẳng định được thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn ra xuất khẩu.

Việc được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cũng tạo động lực để các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. Ông Dương Văn Đạt xác nhận, doanh nghiệp tiếp tục có định hướng mở rộng hoạt động để xứng với danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia. Hiện, doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư thiết bị công nghệ mới đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với hệ thống sấy 100% trong nhà kính và bằng nhiệt sạch, sau đó bảo quản trong kho lạnh. 

Ưu tiên hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện vẫn còn một số rào cản khiến nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn dù có sản phẩm tiêu biểu các cấp, nhất là cấp Quốc gia, khu vực khó phát triển, như khó khăn về vốn, sự quan tâm của một số địa phương đối với các sản phẩm này chưa cao… Do vậy thời gian tới các hoạt động hỗ trợ cần được đẩy mạnh hơn.

Theo đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu bằng hình thức ưu tiên hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất sản phẩm; giới thiệu quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế; tiếp tục hỗ trợ các cơ sở này để phát triển thêm nhiều sản phẩm mới. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm, nâng cao khả năng thương mại hóa sản phẩm; đồng thời tổ chức tốt hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa cơ sở sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối giữa thị trường trong nước với thị trường quốc tế; đẩy mạnh kết nối sản phẩm tiêu biểu vào kênh phân phối trên toàn quốc.

Ông Dương Văn Đạt cho rằng, kết nối trực tiếp vẫn là phương thức phù hợp với ngành nông sản nói chung, vì đối tác quen với phương thức giao dịch trực tiếp, kiểm tra chất lượng sản phẩm mới ký kết hợp đồng. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, cung cấp thêm thông tin thị trường giúp doanh nghiệp kết nối với đối tác.

Kinh doanh qua sàn thương mại điện tử là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, tình trạng chung của nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn hiện nay là hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, thiếu nhân lực có chuyên môn. Vì vậy, đại diện các cơ sở kiến nghị về phía Nhà nước cần hỗ trợ để tháo nút thắt này nhằm tạo điều kiện giúp các cơ sở khai thác tốt hơn các kênh thương mại điện tử, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Về phía các cơ sở công nghiệp nông thôn cũng cần chủ động lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, chủ động nguồn cung nguyên liệu cũng như tiếp cận thị trường mới. Khi kết hợp đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và sự chủ động của doanh nghiệp sẽ góp phần lan tỏa các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thúc đẩy các cơ sở này phát triển.

Anh Đức



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE