You are here

Quy hoạch nông nghiệp

Giải cứu hành tím, dưa hấu, thanh long, thịt lợn, đến nay là giải cứu củ cải - đây là câu chuyện nan giải của ngành nông nghiệp. Theo các chuyên gia, nếu không giải quyết căn cơ bài toán sản xuất và thị trường mà cụ thể hơn là tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” sẽ lặp đi lặp lại.

Tại phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tiếp tục đặt ra tình trạng được mùa, mất giá và giải cứu nông sản.

Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành khoa học công nghệ mà còn liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như công thương. 

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, về lâu dài, cần tư duy chuỗi sản xuất quan tâm đến khâu chế biến, nghiên cứu chuyển giao công nghệ.

Bộ đang triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, với 273 DN tham gia, đồng thời đặt ra những tiêu chí hết sức ngặt nghèo.

Đây là những nền tảng cơ bản tác động mạnh vào nông nghiệp và đúng đối tượng để thúc đẩy, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 2 khâu đang yếu hiện nay là chế biến và tổ chức thị trường.

Tới đây, nông nghiệp nước ta sẽ lớn mạnh hơn rất nhiều, nhất là khi đã thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế và tổ chức lại sản xuất.

Trong đó biện pháp quyết định nhất là ứng dụng khoa học công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp. Từng nhóm ngành hàng được xác định rõ đâu là nút thắt để tập trung giải pháp, từ khoa học công nghệ cho đến chỉ đạo tổ chức sản xuất.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần tổ chức tái cơ cấu trên cơ sở xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu, không sản xuất manh mún.

Việt Nam đã ký kết 12 FTA và sẽ còn ký nữa do vậy nhu cầu thị trường rất lớn mà ta phải tiếp cận. Mục tiêu không chỉ xuất khẩu 36 tỷ USD như năm 2017 mà sẽ còn nhiều hơn.

Tuy vậy, trong quá trình xuất khẩu cũng vấp phải nhiều rào cản kĩ thuật và công nghệ nên ngành khoa học công nghệ phải tháo gỡ nút thắt này.

Do đó 3 bộ sẽ đưa ra khung chính sách để DN đầu tư vào nông nghiệp sử dụng công nghệ cao. 

Từ thực trạng giải cứu nông sản, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, đây là “căn bệnh mãn tính” của ngành nông nghiệp. Khi không có giải pháp căn cơ thì tình trạng trên sẽ ​lại tái diễn.

Do đó phải biến người nông dân thành cổ đông, gắn người nông dân vào nhà máy và cho họ thấy được quyền lợi lâu dài khi bắt tay với DN để tiêu thụ sản phẩm một cách lâu dài, có như vậy mới tạo ra sự bền vững cho ngành nông nghiệp. 

PGS TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội cho rằng, ở đây có lỗi của hai bên.

Người nông dân trồng trọt theo tâm lý được thì lao vào sản xuất không theo cung-cầu, chạy theo phong trào.

Còn về nhà nước là quy hoạch phải gắn với dự báo cung cầu thị trường thì làm chưa tốt. Và lỗi thuộc về nhà nước nhiều hơn nông dân.

Tại sao để đến lúc người nông dân ngồi trên bờ ruộng nhìn su hào, củ cải chất đầy thì cơ quan chức năng mới vào cuộc? bà An đưa ra câu hỏi.     

 

Theo Báo Đại đoàn kết



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE