You are here

Mất cơ hội xuất khẩu vì thủ tục

Tại hội thảo chuyên đề đánh giá chi phí thực hiện thủ tục hành chính diễn ra mới đây, đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm giấu tên thừa nhận, mặc dù từng có tới 30 năm làm trong ngành y, đã nghiên cứu kỹ song chính bản thân ông cũng bị vấp. Điều này đã minh chứng phần nào cho câu chuyện thủ tục hành chính vẫn thực sự là thách thức với doanh nghiệp hiện nay.

“30 năm trong ngành vẫn bị vấp”

Một trong những thách thức về thủ tục đối với doanh nghiệp hiện nay liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đại diện một doanh nghiệp giấu tên cho biết, hiện, cả Bộ Công thương và Bộ Y tế đều có trách nhiệm quản lý liên quan an toàn thực phẩm, song có trường hợp dù đã được Bộ Y tế cấp giấy phép song lại bị Bộ Công thương bác bỏ.

Ông lấy dẫn chứng, doanh nghiệp sản xuất rượu đông trùng hạ thảo, được Bộ Y tế xác nhận đó là sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm đó phải xin giấy phép của Bộ Công thương. Tuy nhiên, Bộ Công thương lại cho rằng đã là sản phẩm bảo vệ sức khỏe phải là dạng thuốc, song vì chưa phân hạng mục đó vào đâu nên từ chối cấp phép khiến doanh nghiệp không thể xuất khẩu.

Thêm vào đó, theo quy định, trong hồ sơ bản đăng ký công bố sản phẩm phải có phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025. Song, doanh nghiệp không rõ đơn vị nào cấp thì có giá trị, bởi lẽ, có trường hợp doanh nghiệp đã được cấp phiếu kết quả kiểm nghiệm song bị trả lại vì cho rằng phiếu này không phù hợp, phải sang trung tâm khác, đồng nghĩa kết quả kiểm nghiệm trước đó phải hủy bỏ. Chưa kể, có trường hợp do nơi kiểm nghiệm không đủ máy móc, doanh nghiệp phải sang một đơn vị khác. Chi phí cho tất cả các kiểm nghiệm ở một nơi mất khoảng 5 triệu, doanh nghiệp phải đi một vòng 3 - 4 nơi, vừa tốn kém chi phí lại mất thời gian vì có kiểm nghiệm phải mất tới cả tháng.

Mặt khác, ngay trong chính cơ quan quản lý cũng có sự bất nhất. “Đối với sản phẩm đông trùng hạ thảo, Bộ Y tế cho rằng đó là thực phẩm chức năng nên doanh nghiệp phải xác nhận công bố theo thực phẩm chức năng. Song khi doanh nghiệp nộp hồ sơ công bố thì cơ quan quản lý lại bảo đây là sản phẩm bảo vệ sức khỏe! Như vậy, hồ sơ một đằng, trả kết quả một nẻo. Tôi làm trong ngành y 30 năm rồi, phải nghiên cứu rất kỹ nhưng đến khi làm vẫn vấp”, ông thừa nhận.

Từ kinh nghiệm làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thừa nhận, không chỉ doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm gặp khó do thủ tục hành chính. Bà lấy dẫn chứng, đối với đại lý hải quan được ưu tiên có điều kiện là trên 20.000 tờ khai/năm, nhưng sau đó lại vướng mắc là có thêm yêu cầu phải kiểm soát được nhân sự kế toán của các chủ hàng - điều kiện ngoài tầm của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp dù đeo đuổi 2 năm đã phải bỏ cuộc.

Quy định rõ ràng sẽ hạn chế nhũng nhiễu

Những dẫn chứng ở trên cho thấy, mặc dù thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục, song thực tế, đây vẫn đang là trở ngại rất lớn đối với doanh nghiệp. Còn nhớ, trong báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi đầu năm nay cũng thừa nhận vẫn còn “rất nhiều thách thức”. Đó là trình tự thủ tục phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và nhân lực thực hiện của doanh nghiệp; thủ tục thiếu các bước để thực hiện khiến doanh nghiệp lúng túng; tiêu chí để cơ quan quản lý nhà nước xem xét giải quyết thủ tục hành chính còn mơ hồ… Chính những điều này đã tạo dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Do vậy, để cải cách thủ tục hành chính diễn ra thực chất hơn, mang lại hiệu quả thực chất cho doanh nghiệp, theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các hoạt động cải cách thủ tục cần thực hiện một cách đồng bộ, triệt để giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Thêm nữa, các quy định phải rõ ràng, càng rõ ràng càng hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tránh tình trạng áp dụng tùy nghi các quy định. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy xác nhận, doanh nghiệp chia sẻ là thủ tục hành chính có số hồ sơ ít, hướng dẫn minh bạch thì đi lại ít và ngược lại.

Bà Bùi Kim Thùy, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam cho rằng, để tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, không thể không nhắc đến vai trò của chính cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải chủ động đọc kỹ văn bản trước khi đến làm việc với khu vực công. Chỉ khi doanh nghiệp nắm rõ quy định mới không bị bắt bẻ, không có tình trạng “đưa tiền để được làm cho nhanh”.

Thêm vào đó, theo bà Thùy, nếu người lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp đi làm thủ tục hành chính sẽ có nhiều lợi thế. Vậy nhưng “bao nhiêu doanh nghiệp khi đi họp bộ ngành là lãnh đạo cao nhất, nhưng khi đi làm thủ tục lại giao cho nhân viên?”, bà đặt câu hỏi. Theo bà, điều này có những rủi ro như có khi nhân viên đi giải quyết thủ tục chỉ mất khoảng 30 phút, nhưng về báo cáo lãnh đạo là một ngày, bởi còn tranh thủ đi làm thủ tục thuê cho 5 - 6 doanh nghiệp khác nữa.

Từ những phân tích trên, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam nhấn mạnh: “Khu vực công làm tốt nhất khâu xây dựng chính sách thì hãy làm cho tốt, đừng quên tham vấn kỹ khu vực tư, nếu không chính sách không mang hơi thở cuộc sống. Đồng thời, phải chấp nhận bị khu vực tư giám sát từ lúc còn là dự thảo đến bản cuối cùng. Ngược lại, khu vực tư cũng phải chủ động tìm hiểu chính sách cũng như chấp nhận để khu vực công giám sát mình”.

Theo Đại biểu Nhân dân



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE