You are here
Sớm ổn định và phát triển thị trường lao động
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, dù trong 7 tháng qua thị trường đã có nhiều tín hiệu khởi sắc song cũng không ít thách thức được đặt ra.
“Tập trung phát triển thị trường lao động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và đặt nền móng cho vấn đề lao động trong nhiệm kỳ này” - Đây là một trong những yêu cầu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra tại Hội nghị giao ban tháng 8 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Theo đánh giá của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dù trong 7 tháng qua thị trường đã có nhiều tín hiệu khởi sắc xong cũng không ít thách thức được đặt ra. Theo đó, việc thiếu hụt lao động có tay nghề, thiếu tính bền vững trong công việc, tạo sự hòa nhập cho lao động di cư tại địa bàn mới hoặc trở lại quê hương… đang được xem là những bài toán khó cho ngành lao động trong thời gian tới.
Thị trường lao động còn nhiều tồn tại
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ. Về cơ bản, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định... Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2022 đạt 51,4 triệu người. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm là 50,3 triệu người. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ước đạt 66,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%.
Ổn định thị trường lao động là mục tiêu quan trọng nhất từ nay tới cuối năm
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay nhiều lĩnh vực đang gặp khó khăn, lao động thiếu ở một số địa bàn, thiếu cục bộ ở một số ngành. Trong năm nay lực lượng lao động nhảy việc tương đối nhiều. “Hầu hết tình trạng nhảy việc xảy ra liên quan đến thu nhập thấp. Người lao động có quyền lựa chọn môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập tốt hơn. Lực lượng lao động có điều chỉnh, trở về làm việc ở quê hương nhiều hơn, gắn với gia đình”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ.
Thêm vào đó, từ cuối tháng 7.2022 tại một số tỉnh thành phía Nam cũng xuất hiện tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, "chờ hàng" về khiến thu nhập của một bộ phận lao động giảm sút khiến họ bắt buộc phải thay đổi công việc hoặc địa để bảo đảm cuộc sống gia đình. Điều này tác động không nhỏ tới người lao động bới lao động di cư cần có thời gian để tìm việc làm, thích ứng với môi trường công việc tại địa phương mới hoặc sau khi trở về quê hương.
Ở một khía cạnh khác, một số nhiệm vụ khôi phục và phát triển thị trường lao động chưa đạt kỳ vọng, việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà tại các khu vực công nghiệp, khu chế xuất… mới chỉ được 1/3 so với dự kiến nhu cầu hỗ trợ.
Từ những tồn tại trên, rất cần sự quan tâm điều phối của ngành cũng như các đơn vị liên quan nhằm ổn định thị trường lao động, khôi phục duy trì sản xuất.
Đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý lao động
Nói về những nhiệm vụ, giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, từ nay đến cuối tháng 8 chuẩn bị tốt Diễn đàn quốc gia việc làm, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. "Đây là cơ hội để truyền tải thông điệp của chúng ta về tranh thủ lợi thế dân số vàng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu tập trung cho chuyển đổi số. Thống nhất cao trong tư tưởng chỉ đạo, tạo sự đồng bộ, liên kết giữa các đơn vị. Cần nhanh chóng hoàn thiện dữ liệu quốc gia thị trường lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hướng tới sẽ là lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước, bảo hiểm thất nghiệp và thị trường lao động.
Nói về vấn đề quản lý thị trường lao động, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho rằng, sở dĩ thị trường lao động còn tình trạng mất cân đối, đối mặt với những khó khăn ở trên chính là do nước ta chưa có hệ thống dữ liệu quốc gia về thị trường lao động. Nếu xây dựng được dữ liệu lao động với những dữ liệu cơ bản như lao động đó làm ngành gì; bao nhiêu tuổi; kỹ năng thế nào; đặc điểm nhân khẩu... bao nhiêu doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng thế nào; ngành nào cần nhiều lao động... thì sẽ căn cứ vào đó để ban hành được cách chính sách quản lý, điều phối hiệu quả.
Cũng bàn về vấn đề này, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình khẳng định, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động là bước quan trọng để phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập nhằm thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực để phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung trong thời gian tới.
Ông Bình cũng thông tin, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động cũng đang được hoàn thiện và có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia của Bộ Công an. Nguyên tắc thu thập thông tin cần bảo đảm tính kịp thời, chính xác, trung thực, khoa học, khách quan và kế thừa. Đảo đảm dữ liệu được thu thập chính xác, đầy đủ, có hệ thống; đáp ứng yêu cầu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia...
Các thông tin được cập nhật, chia sẻ trên Cổng thông tin điện tử của Cục Việc làm bao gồm thông tin, dữ liệu về cung, cầu lao động, biến động cung, cầu lao động trên thị trường lao động, tình trạng, xu hướng việc làm; thông tin, dữ liệu về vị trí việc làm mà người sử dụng lao động đang có nhu cầu tuyển dụng.
Cập nhật từ các địa phương cho thấy, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ cập nhật dữ liệu. Tuy nhiên, tốc độ khá chậm vì việc thu nhập dữ liệu tốn thời gian và các sở cũng bận khá nhiều công việc liên quan.
Tùng Dương