You are here
Lý do vẫn phải bù chéo giá điện cho ngành sản xuất
Từ thực tiễn sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện, có nhiều lý do để phải bù chéo giá điện cho ngành sản xuất.
Điều 29 Luật điện lực đã nêu rõ Chính sách về giá điện của Việt nam là cần có cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý giữa các nhóm khách hàng.
Trên cơ sở qui định tại Luật Điện lực, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 qui định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng bao gồm sản xuất, hành chính sự nghiệp, kinh doanh và sinh hoạt.
Hiện nay biểu giá bán lẻ điện đang thực hiện theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ Công Thương, theo đó cơ cấu tiêu thụ điện của các đối tượng khách hàng và giá bán lẻ điện bình quân như sau:
Sản xuất chiếm 59,1% sản lượng tương ứng giá bình quân là 1.684 đồng/kWh;
Kinh doanh chiếm 6,6% sản lượng tương ứng giá bình quân là 2.809 đồng/kWh;
Hành chính sự nghiệp chiếm 3,8% tương ứng giá bình quân là 1.845 đồng/kWh;
Sinh hoạt chiếm 28,04% tương ứng giá bình quân sinh hoạt là 2.056 đồng/kWh.
Lý do giá điện cho nhóm ngành sản xuất thấp hơn so với giá bán lẻ điện bình quân là có nhiều khách hàng trong ngành sản xuất mua điện ở cấp trung áp hoặc cao áp có giá điện thấp hơn giá điện ở cấp hạ áp do khách hàng phải đầu tư đường dây và trạm biến áp riêng.
Trong khi các khách hàng sinh hoạt và phần lớn khách hàng kinh doanh và hành chính sự nghiệpp mua điện ở cấp hạ áp 0,4kV, ngành điện đầu tư đường dây và trạm biến áp đến tận cấp điện áp 0,4kV.
Một lý do nữa là nhiều khách hàng sản xuất sản xuất 3 ca, một phần điện năng tiêu thụ sử dụng trong các giờ thấp điểm đếm khi giá điện thấp.
Theo số liệu thực tế các năm vừa qua, sản lượng điện thương phẩm của các ngành sản xuất chiếm tỷ trọng cao trên 57% -59% trong tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc. Các doanh nghiệp sản xuất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là động lực chính để tạo ra tăng trưởng GDP của đất nước.
Giá điện là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất do vậy việc duy trì giá điện cho các ngành sản xuất theo cơ chế hiện hành phù hợp với qui định về cính sách giá điện tại Luật Điện lực, là sự hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp phát triển.
Với tốc độ tăng trưởng điện hàng năm cho sản xuất liên tục ở mức độ cao hàng năm từ 10-13% và tăng trưởng GDP trong 10 năm qua cho thấy cơ chế giá điện cho các khách hàng sản xuất, đã phát huy tác dụng trong việc khuyến khích phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo đúng tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thực hiện chính sách giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng theo cơ chế thị trường, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Theo Tạp chí Công Thương