You are here

Xuất siêu sang Myanmar

Tại Hội thảo “Triển vọng của thị trường Myanmar trong giai đoạn hội nhập” tổ chức tại TPHCM ngày 19/11, các chuyên gia chỉ ra nhiều cách giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong giai đoạn hội nhập.

Thủy sản Việt Nam đang xuất khẩu nhiều sang Myanmar. Ảnh: T.H

Thương mại và đầu tư của Việt Nam tại Myanmar đang phát triển. Hiện Việt Nam là một trong 10 đối tác thương mại lớn của Myanmar.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 860 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar 702,1 triệu USD, nhập khẩu từ Myanmar 157,8 triệu USD.

9 tháng năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar đạt 708 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar 533,1 triệu USD, nhập khẩu từ Myanmar 174,9 triệu USD.

Thị trường Myanmar tiềm năng đối với các nhóm, mặt hàng và dịch vụ từ Việt Nam như: sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm và thiết bị điện, xe máy và xe đạp, thực phẩm và nguyên liệu chế biến thực phẩm, hàng điện tử và điện gia dụng, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông…

Việt Nam đứng thứ 7 trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Myanmar với tổng vốn đăng ký trên 2,16 tỷ USD cho 25 dự án. Đến nay đã có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh và đầu tư tại Myanmar dưới nhiều hình thức.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM cho biết, TPHCM đã hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thâm nhập thị trường và phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Myanmar; đã tổ chức hơn 20 hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, hội thảo, hội nghị.

“Các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư vào Myanmar sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa hai nước. Myanmar vẫn là một thị trường đầy tiềm năng, rất hấp dẫn và phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam”- ông Hòa khẳng định.

Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar nhận định, đầu tư, kinh doanh tại Myanmar đang có những thuận lợi vì sản xuất của Myanmar còn yếu và thiếu, nhiều lĩnh vực hàng hóa còn nhiều dư địa phát triển; chưa có rào rản kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu.

Myanmar là thành viên của ASEAN, sản phẩm nhập khẩu ưu đãi về thuế trong nội khối và với các đối tác ASEAN; có những nét tương đồng về văn hóa và quá trình, điều kiện để phát triển đất nước. Đặc biệt, những thương hiệu Việt Nam đi tiên phong tại thị trường Myanmar đều có những sản phẩm chất lượng tốt, chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng Myanmar như Lioa, Hanvico, Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, Vietnam Airlines…, góp phần tạo nên tâm lý ưa chuộng, có thiện cảm với sản phẩm Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Diệp cũng lưu ý, thị trường Myanmar không phải không có khó khăn do Myanmar quy định doanh nghiệp có hơn 35% vốn nước ngoài (doanh nghiệp hoặc cá nhân) trở lên thì được coi là doanh nghiệp nước ngoài (trước đây chỉ có 1 USD vốn nước ngoài thì được coi là doanh nghiệp nước ngoài và chịu những hạn chế riêng trong quá trình hoạt động), cho phép doanh nghiệp chỉ có 1 cổ đông (luật cũ quy định phải có 2 thành viên góp vốn trở lên); doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài phải có ít nhất 1 thành viên hội đồng quản trị thường trú tại Myanmar ít nhất 183 ngày; miễn trừ kiểm toán đối với các công ty nhỏ (có tối đa 30 nhân sự và doanh thu không quá 50 triệu Kyat/năm – khoảng 800 triệu VND/năm).

Luật Đầu tư 2016 của Myanmar có một số ưu đãi về thuế, như: miễn thuế thu nhập từ 3, 5 hay 7 năm tùy thuộc vào khu vực/vùng đầu tư (kém phát triển, phát triển tầm trung và phát triển); miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa đối với nhập khẩu máy móc, thiết bị và vật liệu xây dựng không thể mua được tại thị trường nội địa trong giai đoạn xây dựng; miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa đối với nguyên phụ liệu dùng để sản xuất xuất khẩu; hoàn thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa đối với nguyên phụ liệu và bán thành phẩm nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Trong chính sách thương mại mới của Myanmar, hiện có 4.613 dòng HS đối với các mặt hàng nhập khẩu (giảm từ 4.818 dòng) và 3.345 dòng HS đối với các mặt hàng xuất khẩu yêu cầu có giấy phép XNK từ Bộ Thương mại Myanmar; một số sản phẩm nông nghiệp từ một số quốc gia bao gồm Việt Nam được nhập khẩu vào Myanmar không cần trải qua quy trình Phân tích rủi ro dịch hại (PRA).

Ông Đặng Hải Nhã, Tổng giám đốc Chi nhánh BIDV Yangon, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanma cho biết, Myanmar hạn chế hoạt động thương mại đối với doanh nghiệp nước ngoài, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ như nhà thầu dự án và doanh nghiệp kinh doanh phân phối bán buôn, bán lẻ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý phải tiếp cận thị trường thông qua đối tác nhập khẩu bản địa; kiểm soát giá bán, chính sách marketing, quảng bá sản phẩm tại Myanmar; chia sẻ với đối tác khi tỷ giá MMK/USD biến động bất lợi; kiểm soát tiến độ thanh toán của đối tác nhập khẩu bản địa.

Ông Đặng Hải Nhã cũng cho rằng, nguyên tắc tiếp cận thị trường Myanmar là tìm hiểu kỹ thông tin và lường trước các vấn đề phát sinh. Các doanh nghiệp cần kiên trì và xác định đầu tư dài hạn. Đặc biệt, cần giao thương trực tiếp, lựa chọn đối tác bản địa phù hợp và có năng lực, thiện chí hợp tác; kiểm soát được điều kiện thanh toán và quản lý tiền hàng.

 

Theo Báo Hải Quan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE