You are here

Viễn cảnh trung hạn của kinh tế Việt Nam vẫn tích cực

Kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Viễn cảnh trung hạn vẫn tích cực, nhưng Việt Nam cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khoá và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trung hạn.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam cần cải cách ngân hàng quyết liệt hơn. Ảnh: Lê Tiên

Đây là những nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương vừa được công bố. Báo cáo cũng đánh giá, trong 3 quý đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm nhẹ do nông nghiệp bị hạn hán nặng nề và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì và sức ép lạm phát không đáng kể. Chuyên gia của WB khuyến nghị, Việt Nam nên thực hiện quản lý kinh tế vĩ mô cẩn trọng nhằm giảm thiểu yếu kém.

Theo Báo cáo, tăng trưởng của các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, dự kiến vẫn duy trì tốt trong 3 năm tới, nhưng các nước vẫn đối mặt với rủi ro tăng trưởng đáng kể và cần phải thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu yếu kém về tài chính và tài khoá. Báo cáo khuyến nghị các nước tập trung giải quyết các tồn tại nhằm duy trì tăng trưởng bền vững và hòa nhập trong trung hạn, ví dụ giảm yếu kém hạ tầng, thúc đẩy hòa nhập tài chính. WB dự báo tăng trưởng của các nước đang phát triển trong khu vực sẽ đạt mức 5,8% năm 2016 và 5,7% giai đoạn 2017 - 2018. Tại Việt Nam, tăng trưởng sẽ bị suy giảm trong năm nay do bị hạn nặng, năm 2017 dự báo đạt mức 6,3%.

Trong trung hạn, chuyên gia của WB nêu bốn lĩnh vực chính sách cần tập trung thúc đẩy tăng trưởng hòa nhập, trong đó có khuyến nghị các nước khác trong khu vực cần điều chỉnh chi công, tăng cường hợp tác công tư và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công nhằm xóa bỏ yếu kém về kết cấu hạ tầng.   

Theo Báo Đấu thầu



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE