You are here

Tổng thu ngân sách đã xấp xỉ 90% dự toán

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2016 đạt 911,2 nghìn tỷ đồng, bằng 89,8% dự toán, bằng 87,7% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015. 

Thu nội địa tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2015. Ảnh: H.Vân.

Nỗ lực thu ngân sách Trung ương

Cụ thể, số thu nội địa tháng 11 ước đạt 60,45 nghìn tỷ đồng. Số thu này giảm khoảng 31,2 nghìn tỷ đồng so tháng trước chủ yếu do một số sắc thuế và khoản thu ngân sách phát sinh quý 3-2016 như: Thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Giá trị gia tăng của các doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng; tiền cổ tức do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ đã kê khai, thu nộp trong tháng 10, sang tháng 11 thu không đáng kể. 

Lũy kế thu nội địa 11 tháng đạt 728,6 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8% dự toán, bằng 87,9% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2015.

Thu từ dầu thô 11 tháng ước đạt 35,6 nghìn tỷ đồng, bằng 65,3% dự toán, bằng 90,1% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, bằng 58,9% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng dầu thanh toán 11 tháng ước đạt xấp xỉ 13,68 triệu tấn, bằng 97,6% kế hoạch năm; giá dầu thanh toán bình quân đạt khoảng 42,9 USD/thùng, giảm 17,1 USD/thùng so giá dự toán.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 11 tháng xấp xỉ 142,95 nghìn tỷ đồng (trên cơ sở tổng số thu đạt 239,45 nghìn tỷ đồng, bằng 88,7% dự toán; hoàn thuế Giá trị gia tăng theo chế độ 96,5 nghìn tỷ đồng), bằng 83,1% dự toán, bằng 85,6% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, bằng 95,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, để đạt được mức đánh giá thu ngân sách Nhà nước cả năm 2016 là 1.039 nghìn tỷ đồng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội thì còn phải thu khoảng 128 nghìn tỷ đồng, tăng gần 45 nghìn tỷ đồng so với bình quân thu 11 tháng trong khi nhiệm vụ thu ngân sách Trung ương 11 tháng mới đạt khoảng 80% dự toán. 

Lãnh đạo Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo quyết liệt Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ các nguồn thu nộp ngân sách Nhà nước theo chế độ; đồng thời, thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác hoàn thuế Giá trị gia tăng, thu hồi nợ đọng, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực có đóng góp số thu ngân sách Trung ương, trên cơ sở đó phấn đấu giảm tối đa số giảm thu năm 2016 so với số đã báo cáo Quốc hội (8 - 12 nghìn tỷ đồng).

Bội chi 65,8%

Về tình hình chi ngân sách Nhà nước, tổng chi 11 tháng đạt 1.078,5 nghìn tỷ đồng, bằng 84,7% dự toán, tăng 6,2% so cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, chi đầu tư phát triển 173,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68% dự toán với số chi cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi Nhà nước đạt 99% dự toán; chi hỗ trợ các doanh nghiệp quốc phòng hoạt động công ích đạt 100% dự toán; chi bổ sung dự trữ quốc gia đạt 39% dự toán; chi cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 29,7% dự toán. Riêng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án khoảng 171,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68% dự toán.

Chi trả nợ và viện trợ 145 nghìn tỷ đồng, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết; chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 751,9 nghìn tỷ đồng, bằng 91,3% dự toán, tăng 4,3% so cùng kỳ năm 2015. 

Bội chi ngân sách Nhà ước ước 11 tháng 167,25 nghìn tỷ đồng, bằng xấp xỉ 65,8% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.

Khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước tính đến ngày 23-11-2016 đạt 274.594 tỷ đồng bằng 97,7% kế hoạch điều chỉnh năm 2016 (281.000 tỷ đồng), tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2015. Kỳ hạn vay bình quân cả năm là 8,72 năm; kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục trái phiếu Chính phủ là 5,61 năm. 

Theo Báo Hải quan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE