You are here

Tìm lối đi riêng

Tận dụng sản vật địa phương để sáng tạo ra những sản phẩm đặc biệt hay học hỏi những kiến thức mới, áp dụng cho việc cải tạo cây con giống, tìm những phương thức canh tác phù hợp để khởi nghiệp và vươn lên khá giàu, những chàng trai, cô gái ở Cà Mau không chỉ thay đổi số phận từ những người tha phương cầu thực trở thành những giám đốc, cô chủ mà còn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp táo bạo, dám làm đến nhiều thanh niên khác.

Trồng rau với nước mặn

Tốt nghiệp ngành cơ khí và theo nghề được một thời gian, song Lâm Quốc Nhựt lại đau đáu trong đầu suy nghĩ làm nông nghiệp. Sinh ra và lớn lên ở xứ sở nước mặn, thấy rau củ quê mình khó trồng, giá cao, Nhựt ôm ấp ý tưởng trồng rau nước mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ ý tưởng này, Nhựt rủ thêm 2 người bạn thân cùng tìm hiểu các loại rau củ phù hợp để triển khai. Năm 2021, dự án “Trồng và phát triển cây chịu mặn, chịu hạn có giá trị kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu” của Lâm Quốc Nhựt đoạt giải Nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Ðoàn tổ chức. Ngoài giải thưởng 30 triệu đồng, dự án được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương Ðoàn, với mức vay tối đa 500 triệu đồng, từ đó, Nhựt và các cộng sự có thêm động lực và nguồn lực để khởi nghiệp

Tháng 10.2021, Công ty HALOFAI ra đời do Nhựt làm giám đốc, đây là công ty khởi nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp mặn thích ứng biến đổi khí hậu, có trụ sở tại tỉnh Cà Mau, chuyên cung cấp các giải pháp canh tác thực vật chịu mặn, có thể sử dụng nước mặn và chất thải nuôi trồng thủy sản để tưới, đồng thời, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm chế biến từ những thực vật chịu mặn. Với slogan “HALOFAI - Hương vị từ đất mặn”, HALOFAI triển khai mô hình nông nghiệp mặn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu với mong muốn phủ xanh đất nhiễm mặn, cùng nông dân tạo ra sản phẩm đặc trưng, đóng góp cho cộng đồng.

Lâm Nhựt tìm hướng đi riêng với cây rau nước mặn

Ban đầu, công ty tập trung sản xuất những cây rau có thể sống được với nước mặn, nước lợ rồi sau đó Nhựt và các cộng sự đã trồng được hơn 20 loại rau, đặc biệt là rau nhót, măng tây biển, sam biển, sam đất, rau diệu. Lâm Quốc Nhựt chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đã trồng thực nghiệm các loại rau này ở nhiều địa phương có biển trên cả nước và đã tiến hành khảo nghiệm. Tới đây, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng rau và chế biến nhiều loại sản phẩm từ các loại rau này”.

Hướng về Cà Mau, Nhựt trần tình: “Khi đã quyết định mang về quê trồng là phải theo sát bà con; bởi vì thổ nhưỡng và tập quán canh tác của quê mình không giống những địa phương khác; nên muốn đem về quê trồng với diện tích lớn thì mình phải đeo đến cùng, đồng hành với bà con”. Theo vị giám đốc trẻ này, "nông nghiệp mặn” là ngành còn rất mới mẻ trên thế giới, tôi và các bạn dành khoảng 3 năm để lên kế hoạch cụ thể, lên các phương án dự phòng và đề ra giải pháp khắc phục để có thể phát triển ý tưởng, phát triển công ty ngày càng lớn mạnh.

Kiếm tiền từ những vật tưởng bỏ đi

Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn nên cô gái Hồng Nguyên ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau đi làm công nhân tại Bình Dương. Nhiều đêm trăn trở về tương lai, muốn tìm cách hồi hương, thay đổi cuộc sống, Nguyên quan sát cách người ta khởi nghiệp và nhận thấy loại túi xách làm bằng thân lục bình rất được thị trường ưa chuộng, liên tưởng tới cây bồn bồn ở quê mình, Nguyên nảy sinh ý tưởng làm túi xách từ lá bồn bồn.

Suy nghĩ đó thôi thúc Nguyên về quê tìm lối đi riêng, năm 2020, cô bắt tay vào khởi nghiệp với mô hình đan túi bằng lá bồn bồn. Để có nguyên liệu tốt làm ra sản phẩm được thị trường chấp nhận, Nguyên chọn lựa những chiếc lá bồn bồn già, phơi vừa đủ nắng, bảo đảm đủ độ dai và phải giữ được màu sắc tươi sáng, cũng trong thời gian này, cô tìm thiết kế, tạo khung, sáng tạo nhiều kiểu mẫu, kích cỡ khác nhau rồi đan túi thô, phủ keo, màu, trang trí, gắn thêm hoa lá, phụ kiện.

Thời gian đầu, giỏ xách Nguyên làm ra phải bỏ hoặc cho khá nhiều vì cô chưa thật sự ưng ý, tuy nhiên không nản chí, sản phẩm chưa ưng chỗ nào thì sửa chỗ đó, cô nhanh chóng tìm cách khắc phục các lỗi sản phẩm, vừa làm vừa truyền nghề cho bạn bè, xóm giềng xung quanh. Các sản phẩm của Nguyên là sản phẩm thủ công, tỉ mỉ, kỹ lưỡng, không đụng hàng, giá cả lại rất “mềm” nên nhanh chóng được thị trường ưa chuộng. Vừa cầm tay chỉ việc, vừa cung cấp nguyên liệu, vừa bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, Nguyên trả công cho người đan từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc giỏ, từ đó, rất nhiều chị em phụ nữ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định dần cuộc sống.

Không chỉ có Nguyên, có Nhựt, Tỉnh đoàn Cà Mau còn có nhiều chàng trai, cô gái đang tìm lối đi riêng cho mình và bước đầu gặt hái được những thành công nhất định như cô Nấm Mai Ril, anh Tập chuyên lót bạt cho ao nuôi tôm, anh Nhàn ươm vèo cua giống… Những người trẻ, dám nghĩ, dám làm và luôn chia sẻ tinh thần, kinh nghiệm, vốn liếng của mình cho mọi người đang chung tay làm cho Cà Mau ngày càng giàu mạnh.

Vũ Châu



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE