You are here

Tăng trưởng chỉ là bề ngoài?

Xuất khẩu thủy sản ghi nhận sự phục hồi mạnh với kim ngạch 7 tháng năm nay đạt 6,7 tỷ USD, tăng 35% song các doanh nghiệp vẫn lo lắng trước nhiều thách thức. 

Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận không bao nhiêu

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh thừa nhận, mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp không bao nhiêu. Mức tăng trưởng chỉ là bề ngoài, thực chất bên trong có những nguy cơ rất lớn cho doanh nghiệp thủy sản. Điều này thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu chậm lại trong tháng 7 và tháng 8.

Thủy sản đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn: ITN

Ông Lĩnh cho biết, khó khăn đầu tiên là toàn bộ dự trữ về kinh tế, lợi nhuận, vật tư đã dồn hết cho các đơn hàng trong những tháng đầu năm nên sẽ không đủ cho những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thiếu cả lao động phổ thông, lao động tay nghề cao và thiếu nguyên liệu. Khoảng 2.000ha vùng nuôi tôm, tập trung ở Huế và Bến Tre cũng chỉ đáp ứng 30 - 40% nhu cầu nguyên liệu của doanh nghiệp, phần còn lại phải nhập của người dân và các vùng nuôi liên kết. Tuy nhiên, giá xăng dầu và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt và nuôi trồng của người dân.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết, từ đầu tháng 8, tín dụng bị siết lại. Trong khi đó, lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu sẽ không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10. Điều này dẫn đến tình trạng tồn kho, doanh nghiệp sẽ không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, khi đó sẽ không được vay mới để thu mua nguyên liệu.

Ngoài ra là thách thức trong chi phí tuân thủ xử lý môi trường. Ngành thủy sản có hai khâu quan trọng nhất là chăn nuôi và chế biến đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường, liên quan đến nước thải đầu ra.

Cởi mở hơn về thủ tục nhập khẩu

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa qua, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, dư địa xuất khẩu thủy sản còn nhiều và kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành có các biện pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất; tiếp cận được vốn ngân hàng; có quy chuẩn riêng về nước thải đầu ra của ngành thủy sản...

Trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, VASEP cho biết nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và các doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng vùng nuôi tập trung. Do đó, cần đẩy nhanh việc sửa Luật Đất đai, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất, quy hoạch sử dụng để ngành thủy sản phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp. Cùng với đó, có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Trên cơ sở Chiến lược phát triển thủy sản đến 2030, VASEP cũng đề nghị Chính phủ ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu, cởi mở hơn về thủ tục nhập khẩu. Điều này sẽ giúp Việt Nam tận dụng lợi thế về năng lực chế biến hiện đại, nâng cao tay nghề công nhân, đạt được mục tiêu trở thành công xưởng lớn của thủy sản thế giới. Hiện, các thủ tục chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác còn nhiều bất cập, do đó cần tháo gỡ nhanh vấn đề này cho doanh nghiệp.

Đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng IUU trong khi EU là thị trường lớn của ngành. Do đó, VASEP đề nghị Nhà nước cần có chính sách đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển. Trước mắt là cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền khai thác, sửa đổi quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra, cấp xác nhận, chứng nhận.

Hạnh Nhung



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE