You are here

Siết vốn vào bất động sản, tín dụng: Vẫn lo lách luật

Chuyên gia cảnh báo tình trạng ngân hàng có thể lách luật, cho vay, sử dụng vốn không đúng mục đích, hệ quả là số liệu càng ảo.

Hàng loạt lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng…vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lưu ý với các ngân hàng khi xét duyệt cho vay.

Trước đó, thống kê của NHNN, năm 2017, tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng dư nợ chiếm 6,53%.

Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng đổ vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm nhẹ so với năm 2016, chiếm 15,8% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%). Trong đó, vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,9%, vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 5,9%.

Tuy nhiên, cũng theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng tiêu dùng năm 2017 tăng mạnh khi ước tăng 65%, chiếm 18% trong tổng tín dụng. Trong đó, cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính và là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất, năm 2017 chiếm 52,9% (năm 2016 chiếm 49,5%), tốc độ tăng trưởng là 76,5% (năm 2016 tăng 78,4%).

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lo ngại tín dụng bất động sản tiềm ẩn cao trong tín dụng tiêu dùng.

 

Về vấn đề này, LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, các số liệu, đánh giá, tình hình, thậm chí các quy định ở Việt Nam luôn có nhiều vấn đề. Mỗi bên lại đánh giá theo quan điểm của mình, nơi dựa vào văn bản, nơi dựa vào bản chất vấn đề, nơi lấy số liệu thống kê ở nguồn này, nơi lại lấy ở nguồn khác.

Minh chứng cho điều này, LS Trương Thanh Đức dẫn ví dụ: Về bất động sản, trước đây NHNN đã có quy định hạn chế, quy định riêng, quy định tỷ lệ dự trữ, khống chế điều kiện chặt chẽ. Còn Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì lựa theo cái gì họ cho là bản chất của bất động sản.

"Nếu cùng lấy theo tiêu chí mà đưa ra con số khác nhau thì đó là chuyện lạ, còn lấy theo tiêu chí khác nhau thì đương nhiên ra các con số khác nhau.

Ví dụ, trước nay vẫn tranh cãi vay sửa chữa nhà là vay tiêu dùng hay vay bất động sản, bản thân cái này cũng chẻ ra nhiều vấn đề. Nếu căn nhà bạc tỷ sửa vài chục triệu đồng thì đó là vay tiêu dùng, nhưng nếu sửa năm bảy trăm triệu để nâng cấp rồi bán, đầu tư kinh doanh thì nó là bất động sản. Do đó, rất khó để nói cụ thể, chi tiết. Nếu xem lại khái niệm bất động sản thì có thể con số của NHNN sẽ tăng, nhưng cũng có thể con số của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia giảm", vị chuyên gia nói.

Để tránh tình trạng nhập nhèm hay tín dụng bất động sản ẩn nấp trong tín dụng tiêu dùng, LS Trương Thanh Đức cho rằng, trước hết, phải xác định bất động sản thực sự là bất động sản vì nó tác động đến tiêu dùng, sản xuất, thị trường bất động sản... 

Thứ hai, cần khuyến nghị và đặt ra những con số quản lý, giám sát bằng kinh tế. 

"Việc NHNN yêu cầu siết vốn đổ vào bất động sản, tiêu dùng... thì các ngân hàng hoàn toàn có thể lách chỗ nọ chỗ kia, cho vay, sử dụng vốn không đúng mục đích và như thế thì số liệu càng ảo, thành tích càng ảo", LS Đức nhận xét.

Vì thế, ông nhấn mạnh, đi kèm với khuyến nghị, NHNN cần sử dụng các chính sách, giải pháp kinh tế hợp lý. Khi ấy, tự khắc mọi thứ sẽ đâu vào đấy, người ta sẵn sàng làm đúng vì che giấu không có nhiều lợi ích.

"Trong giải pháp của ngành ngân hàng, quan trọng là trích lập dự phòng, dự trữ bắt buộc. Ví dụ, huy động được 10 đồng, dự trữ 1 đồng thì hiệu quả thế nào, dự trữ 5 đồng hiệu quả ra sao? Với trích lập dự phòng cũng vậy, dự phòng cao thì không có lãi nữa.

Ngoài ra, có thể siết chặt tiêu chí cho vay, sử dụng đúng mục đích, gia hạn nợ, cơ cấu nợ..., tất cả phải chặt chẽ, kiểm tra, thanh tra kỹ càng hơn.

Tóm lại, đây là câu chuyện của thị trường, nếu nó an toàn, tốt, hiệu quả thì người ta đổ xô vào, không nên hạn chế, cấm đoán.

Còn định hướng của Nhà nước là bằng các chính sách, giải pháp kinh tế, tuyên truyền cung cấp thông tin để họ nhận thức, ví dụ nguy cơ bong bóng, loại sản phẩm này đang thừa, giá cả đang cao..., không nên theo kiểu phân bổ chỗ này bao nhiêu, chỗ kia bao nhiêu.

Câu chuyện tăng trưởng tín dụng là một ví dụ, bao năm nay ngành ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên dưới 20%. Theo tôi, chỉ nên giảm, không nên tăng vì tăng trưởng cao vô cùng rủi ro và ngành ngân hàng không nên tăng trưởng quá 10%", LS Trương Thanh Đức phân tích. 

 

Theo Đất Việt



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE