You are here

Siết chặt thu thuế giao dịch thương mại điện tử

Sự phát triển bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của hoạt động thương mại điện tử (TMĐT)đã đặt ra những thách thức mới đối với cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế, nhất là việc tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng các kẽ hở về quản lý để trốn thuế. PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

PGS.TS Lê Xuân Trường.

PV: Thưa ông, thực tế cho thấy hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử?

PGS.TS. Lê Xuân Trường: Theo Thông tư số 100/2021/TT-BTC, bên cạnh trách nhiệm cung cấp thông tin, sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự. Với quy định như vậy, nếu cá nhân không tự nguyện ủy quyền thì sàn giao dịch TMĐT không bắt buộc phải kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân.

Tuy nhiên, để thu hút cá nhân giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT của mình và giảm bớt khối lượng công việc, trong trường hợp không bị bắt buộc, các sàn giao dịch TMĐT thường không khuyến khích cá nhân ủy quyền kê khai, nộp thuế thay. Như vậy, với quy định hiện hành, trên thực tế mới chỉ ràng buộc trách nhiệm cung cấp thông tin của sàn giao dịch TMĐT mà chưa có ràng buộc trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay trong những điều kiện thực tiễn phù hợp để thực hiện nghĩa vụ này.

Song song với đó, hiện cũng chưa quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật về loại thông tin cung cấp, cách thức và thời hạn cung cấp thông tin của cá nhân trong trường hợp sàn giao dịch TMĐT không kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân.

Hiện nay cũng chưa có hệ thống công nghệ thông tin dò tìm tự động áp dụng trên phạm vi toàn quốc để cảnh báo và xác định các giao dịch đáng ngờ liên quan đến TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới. Các hoạt động rà soát giao dịch đáng ngờ để yêu cầu kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số và internet vẫn thực hiện bằng các công nghệ dò tìm rời rạc. Đồng thời, cũng chưa có giải pháp công nghệ đồng bộ để buộc nhà cung cấp nước ngoài phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Vậy cần giải pháp gì để nâng cao hiệu quả chính sách và quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới, thưa ông?

- Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam thì cơ sở thường trú được xác định là một cơ sở sản xuất - kinh doanh mà qua đó doanh nghiệp nước ngoài thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Ý tưởng tương tự như vậy cũng được quy định trong các hiệp định thuế song phương giữa Việt Nam và các nước. Cụm từ “Cơ sở sản xuất - kinh doanh” được giải thích cụ thể gắn với một không gian cố định như chi nhánh, văn phòng đại diện, kho hàng, công trình xây dựng… Điều này dẫn đến khả năng các công ty đa quốc gia hoạt động TMĐT và kinh doanh nội dung số sử dụng không gian mạng như một phương thức tránh hình thành cơ sở thường trú để tránh thuế ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Do vậy, theo tôi, trong thời gian tới đây cần sửa đổi định nghĩa về cơ sở thường trú trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, cần khẩn trương ký kết hiệp định thuế đa phương để sửa đổi một số điều khoản của các hiệp định thuế song phương, trong đó có điều khoản về cơ sở thường trú.

Ngoài ra, cần bổ sung những trường hợp mà sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân; bổ sung cụ thể vào Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý thuế loại thông tin cung cấp, cách thức và thời hạn cung cấp thông tin của cá nhân trong trường hợp sàn giao dịch TMĐT không kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân. Đồng thời, xác định rõ giới hạn trách nhiệm bảo mật thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan để vừa đảm bảo chống thất thu thuế, vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp của các cá nhân kinh doanh TMĐT.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, phải sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới?

- Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới thì nhất thiết phải áp dụng công nghệ. Cần tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý thuế đối với TMĐT, trong đó, công nghệ thông tin là nòng cốt gắn với các công nghệ hiện đại khác để kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế.

Theo đó, từng bước triển khai các hoạt động như: Xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thực hiện thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình TMĐT thanh toán tiền mặt. Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số.

Trân trọng cảm ơn ông!



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE