You are here

Mua bán điện theo giá thị trường là mong muốn của xã hội

“Tính giá điện theo thị trường là mong muốn của xã hội và là yêu cầu khách quan của cơ chế thị trường và cần phải làm như vậy” - TS Ngô Đức Lâm nói.

Ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, nghe báo cáo kết quả phiên giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.

Về vấn đề giá điện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, cho biết, hiện chưa có giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra định hướng đầu tư và phát triển phụ tải.

Đặc biệt, trong quá trình điều hành, chưa thực hiện được đầy đủ việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường; cơ cấu biểu giá bán lẻ điện còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại.

Mặt khác, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được xây dựng từ năm 2014 nên chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường mua, bán điện cạnh tranh; cơ chế hợp đồng mua, bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ; minh bạch giá mua, bán điện. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng.

Bên cạnh đó, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền. Xây dựng biểu giá điện công khai, minh bạch, lấy ý kiến người dân để lựa chọn phương án phù hợp…

Đây là mong muốn của xã hội

Trao đổi với PV về vấn đề này, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, nội dung Quốc hội đang bàn là thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường đã được đề cập trong định hướng phát triển ngành điện đến năm 2024.

“Lúc đó EVN không còn nữa, thay vào đó là có nhiều đơn vị bán buôn, bán lẻ điện để người dân tự chọn. Đó mới là mong muốn của xã hội và là yêu cầu khách quan của cơ chế thị trường, phải làm như vậy” - TS Ngô Đức Lâm nói.

Theo TS Lâm, giá điện do thị trường quyết định nhưng vẫn phải đảm bảo tính đủ chi phí, có lãi để nhà sản xuất phát triển được. Nguyên tắc giá điện lúc đó sẽ do các doanh nghiệp tự định đoạt và cạnh tranh nhau, người dân có quyền tự chọn.

“Để cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh sẽ phải có mặt bằng chung để so sánh. Lúc đó sẽ bỏ hết chế độ, bao cấp, không có bù chéo. Vấn đề an sinh xã hội nếu có là do Nhà nước thực hiện chứ không phải doanh nghiệp. Doanh nghiệp không được lấy người giàu chia cho người nghèo mà sẽ tính mức giá cạnh tranh, sau đó Nhà nước sẽ điều chỉnh thuế để hỗ trợ người nghèo” - TS Ngô Đức Lâm cho biết thêm.

Cũng theo vị chuyên gia này, khi thực hiện giá điện thị trường, các nhà máy sản xuất điện gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính sẽ phải đánh thuế. “Các nguồn năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường nên không phải chịu các loại phí nêu trên. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất điện từ than hoặc các nguồn khác gây ô nhiễm sẽ phải đánh thuế. Vì vậy, phải tính đầy đủ các yếu tố đầu vào để có mức giá tốt nhất” - chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm thông tin.

Theo Petro Times



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE