You are here

Làm rõ mô hình tăng trưởng Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020

Cho ý kiến về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 tại Phiên họp ngày hôm qua, một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, trước hết cần làm rõ mô hình tăng trưởng cho giai đoạn 5 năm tới. Bởi, mô hình tăng trưởng sẽ quyết định đến cơ cấu kinh tế.

Chưa hoàn thành nên phải tiếp tục tái cơ cấu

Theo Tờ trình của Chính phủ, thực hiện yêu cầu của QH tại Nghị quyết số 98 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã được xây dựng, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, thị trường tài chính, doanh nghiệp nhà nước, ngành kinh tế và vùng kinh tế. Quá trình tái cơ cấu cũng sẽ gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực phát triển, qua đó làm thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế; hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn; có năng suất, năng lực cạnh tranh, tiềm năng tăng trưởng cao hơn; bảo đảm tăng trưởng xanh, sạch và bền vững. Tờ trình về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 cũng đã đưa ra 6 quan điểm về thực hiện tái cơ cấu cùng 3 mục tiêu lớn và 10 nhiệm vụ ưu tiên thực hiện.

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Kinh tế tán thành với việc xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Đây được coi như nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2013 - 2020, khắc phục được những hạn chế trong thực hiện ba trọng tâm tái cơ cấu thời gian qua. Nhưng khác với Tờ trình của Chính phủ, chỉ nêu một số hạn chế chung chung, thì trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đã thẳng thắn chỉ rõ rằng, mục tiêu của Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn vừa qua chưa thực hiện được, đó là đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế. Đặc biệt, các vấn đề tồn đọng trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn vừa qua còn nhiều. Những vấn đề mấu chốt trong từng trọng tâm tái cơ cấu vẫn chưa được tháo gỡ. Đây tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Từ thực tế này, Ủy ban Kinh tế đề nghị, tại Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 cần nhấn mạnh quan điểm có tính xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu:Tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin - cho; nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, các thành quả kinh tế - xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Và trong mục tiêu tổng quát cần nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hiệu quả và tăng cường liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế, để tạo điểm nhấn cho kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp của UBTVQH (Ảnh: Lâm Hiển)

 

Cân nhắc kỹ để trả giá ít nhất

Khác với kế hoạch tái cơ cấu kinh tế ở giai đoạn trước, trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể khá mạnh mẽ, quyết liệt. Chính phủ cũng đưa ra nhiều chỉ tiêu thực hiện cụ thể và xác định ba kịch bảntái cơ cấu, nhằm lường trước những biến động của kinh tế thế giới và trong nước. Dẫu rằng, như nhận định nêu trong Báo cáo thẩm tra, đó là một số chỉ tiêu được đề xuất còn chung chung, cần cân nhắc lượng hóa về chỉ tiêu và có mốc thời gian hoàn thành nếu xác định; hay một số chỉ tiêu trong các kịch bản này chưa thực sự tương thích với các chỉ tiêu được Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 xác định; song đây vẫn là điểm tiến bộ khá rõ trong cách thức xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.

Ghi nhận kết quả bước đầu đạt được trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị, cần nhìn nhận sắc nét hơn về các vấn đề đang nổi lên trong thời gian qua, để có giải pháp tái cơ cấuđúng và trúng hơn. Như phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, thì đường nét cho nền công nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa rõ, dù đã chuyển từ định hướng tập trung phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp ô tô, sang phát triển công nghiệp hỗ trợ. Sản phẩm nông nghiệp cũng chưa có nền tảng tốt để có thể cạnh tranh được trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Ngoài ra, việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước bằng thúc đẩy cổ phần hóa những đơn vị này không thể chỉ xét theo tiêu chí nhanh - chậm, mà cần cân nhắc cả sự được - mất của quá trình này. Theo đó, cần cân nhắc kỹ để chỉ phải trả giá ít nhất trong quá trình cổ phần hóa, vì nếu thực hiện không khéo, có khi số tiền bị mất đi sẽ lớn hơn nhiều lần so với số mà Nhà nước thu được, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cảnh báo.   

Và trên hết, ngay cả những điểm được đánh giá là tiến bộ hơn của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, thì cũng chưa làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thật sự yên tâm. Vì rằng, dù đã đưa ra nhiều mục tiêu mạnh mẽ, quyết liệt, thì trong Kế hoạch vẫn còn có một số khoảng trống. Đó là việc xác định mục tiêu chưa gắn với phân bổ nguồn lực thực hiện; mục tiêu không đi liền với giải pháp thực hiện. Trong một số giải pháp cụ thể, ít ỏi liên quan đến thể chế cũng mới dừng lại ở giải pháp chung chung, chưa rõ sẽ phải sửa đổi, hay ban hành luật mới nào? Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trình UBTVQH lần này cũng chưa chỉ rõ bộ máy điều hành, nguồn lực thực hiện, sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định thẳng thắn.

Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, không thể không làm trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, cụ thể nội dung tái cơ cấu là gì, tập trung vào khâu nào cần được làm rõ, mô hình tăng trưởng ra sao? Vì suy cho cùng, đòi hỏi quan trọng nhất với Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới là phải xác định được mục tiêu tăng trưởng phù hợp hơn với đặc điểm của giai đoạn 2016 - 2020. Tăng trưởng theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh là mô hình luôn luôn đúng với không riêng Việt Nam. Và như nhấn mạnh của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, thì mô hình tăng trưởng sẽ quyết định đến cơ cấu của nền kinh tế cũng như các chỉ tiêu cụ thể.

Theo daibieunhandan.vn



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE