You are here

Kết quả sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật 9 tháng đầu năm 2020

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh họp đánh giá kết quả sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật 9 tháng đầu năm 2020, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chủ trì hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, thời điểm này, tổng đàn gia súc trâu bò trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đàn gia cầm tăng, chỉ duy có đàn lợn giảm, thấp hơn so với năm 2018 khoảng 15%; tuy nhiên sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng lại tăng hơn 2,8%. Phân tích sâu những tác động tiêu cực cũng như những tín hiệu chuyển biến tích cực mới trong chăn nuôi do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn Châu Phi tới thực tế nội tại và xu hướng chuyển dịch của ngành chăn nuôi, công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn các dịch bệnh lớn (bệnh dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch bệnh trên ngao vạng ở bãi triều) do thời tiết chuyển mùa, điều kiện chăn nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ, mầm bệnh trong điều kiện tự nhiên rõ rệt, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp trong Công điện số 09 ngày 21/9/2020 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trong thực hiện công tác quản lý kinh tế, không chỉ trông chờ vào hỗ trợ rủi ro từ phía nhà nước; xác định rõ nguy cơ dịch bệnh; bắt buộc phải thực hiện Luật chăn nuôi, trước tiên người nuôi phải khai báo tổng đàn, điều kiện nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền quản lý môi trường nuôi của người chăn nuôi; tuyên truyền về các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi công nghệ tốt. Triển khai tốt công tác khử trùng tiêu độc, tiêm phòng cả nhóm vắc xin được tỉnh hỗ trợ và ngoài nhóm vắc xin tỉnh hỗ trợ. Siết chặt quản lý nhà nước về chăn nuôi; bao gồm quản lý người chăn nuôi, thị trường vật tư, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các huyện Xuân Trường, Ý Yên, Giao Thủy và các địa phương tham mưu cho tỉnh tổ chức hội thảo về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi (dự kiến trong tháng 12/2020), để đánh giá phương thức, công nghệ, thiết kế chuồng trại, hiệu quả kinh tế, quản lý dịch bệnh, quản lý môi trường của mô hình thí điểm này.

9 tháng đầu năm 2020, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp khó khăn trong việc tái đàn do nguồn giống khan hiếm, giá con giống cao và nguy cơ tái phát dịch dịch tả lợn Châu Phi nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn. Thống kê đàn lợn của tỉnh thời điểm hiện tại ước đạt 641 nghìn con; đàn trâu khoảng 7,5 nghìn con; đàn bò ước 30 nghìn con; đàn gia cầm ước 8.480 nghìn con. 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 ổ dịch Cúm gia cầm, 11 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi; các ổ dịch được chính quyền địa phương xử lý theo quy định đảm bảo vệ sinh môi trường, không lây lan sang các hộ xung quanh. Công tác giám sát dịch bệnh được tăng cường. UBND tỉnh cấp kinh phí mua trên 298 nghìn liều vắc xin dịch tả để tiêm cho đàn lợn; 140 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng để tiêm cho đàn trâu, bò, dê và đàn lợn nái, lợn đực giống. Tuy nhiên, kết quả tiêm phòng hiện đạt tỷ lệ thấp, vụ Xuân đạt 65% kế hoạch đối với đàn lợn; 87,9% đối với đàn trâu, bò, dê; 49,5% đối với đàn lợn nái, lợn đực giống; 52% đối với đàn chó; vụ Thu triển khai từ ngày 15/9 đến 15/10/2020./.

T/h: Lê Hải



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE