You are here

CPI giảm gần 0,25% nhờ hai đợt giá xăng hạ sâu

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2018 giảm 0,25% so với tháng trước, nhưng tăng 2,98% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân năm 2018 so với năm 2017 tăng 3,54%.

Giá xăng giúp chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tiếp tục hạ

Tổng cục Thống kê cho biết, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có 8 nhóm hàng chỉ số giá tăng. Cụ thể, thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,76%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,43%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; Bưu chính viễn thông tăng 0,02%.

Riêng nhóm giáo dục không đổi. Còn 2 nhóm giảm là giao thông giảm 4,88%; Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,89%.

Đưa ra các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 12/2018 giảm, Tổng cục Thống kê cho biết, việc giá xăng dầu, gas và thịt lợn hạ đã góp phần giúp kéo chỉ số giá tiêu dùng đi xuống.

 

Hai lần giảm giá xăng đã giúp chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 hạ 0,25%. Ảnh minh họa

Cụ thể, tính đến ngày 24/12/2018, giá dầu Brent thế giới bình quân tháng 12 giảm 9,83%, giá xăng Ron 92 tại thị trường Singapore giảm 12,41% so với tháng 11/2018. Theo đó, trong nước giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 6/12/2018 và ngày 21/12/2018, tổng cộng giá xăng A95 giảm 1.830 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 1.840 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 1.630 đồng/lít nên bình quân tháng 12/2018 giá xăng dầu giảm 10,77% so với tháng trước, đóng góp giảm CPI chung 0,45%. 

Bên cạnh đó, từ ngày 1/12/2018 giá gas trong nước điều chỉnh giảm 33.000 đồng/bình 12kg, giảm 9,64% so với tháng 11/2018, do giá gas thế giới giảm 102,5 USD/tấn xuống mức 430 USD/tấn.

Riêng giá thịt lợn tháng 12/2018 giảm 0,67% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào, ước tính đến tháng 12/2018, tổng đàn lợn cả nước tăng khoảng 3,2%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 3,8 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh các nguyên nhân làm giảm CPI, còn có một số nguyên nhân tăng CPI tháng. Trong đó có thể kể đến, giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư số 39/2018/TT/BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, theo đó chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 7,53% góp phần tăng CPI chung 0,29%.

Ngoài ra, giá vé tàu hỏa tăng 2,45% do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé dịp Tết Dương lịch 2019. Vào thời điểm cuối năm nhu cầu may mặc quần áo, mũ nón, giầy dép tăng làm chỉ số giá hàng may mặc, mũ, nón, giày dép tăng 0,43%.

CPI quý IV/2018 tăng 0,6%

Theo Tổng cục Thống kê, CPI quý IV/2018 tăng 0,6% so với quý trước và tăng 3,44% so với cùng kỳ năm trước.

So với cùng quý năm trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng chỉ số giá tăng: Giáo dục tăng 6,51%; Giao thông tăng 5,06%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,99%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,35%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,1%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,71%; May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 1,64%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,6%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,52%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,33%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,83%.

Tổng cục Thống kê cho biết, việc giá thịt lợn tăng 26,4% so với cùng quý năm trước làm cho CPI quý IV/2018 tăng 1,11% so với cùng kỳ do mặt bằng giá quý IV/2017 ở mức thấp cùng với nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng. Thời tiết mưa bão và lũ quét ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản tươi sống và rau xanh làm tăng giá thực phẩm ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị ảnh hưởng mưa lũ.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư số 39/2018/TT/BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, theo đó chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế quý IV/2018 tăng 1,62% so với cùng kỳ năm trước góp phần tăng CPI chung 0,06%.

Năm học mới 2018 - 2019, trong quý có 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 7,25% góp phần tăng CPI chung 0,37%.

Bên cạnh một số nguyên nhân tác động tăng CPI quý IV/2018, Tổng cục Thống kê cho biết, có một số yếu tố khiến CPI giảm. Trong đó có thể kể đến như giá quả tươi và chế biến giảm 1,77% so với cùng quý năm trước do thời tiết thuận lợi, hoa quả được mùa góp phần làm giảm giá quả tươi. Giá thiết bị điện thoại giảm 4,09% so với cùng quý năm trước do các hãng giảm giá các dòng điện thoại mẫu cũ.

Đặc biệt, giá gas điều chỉnh tăng 1 đợt vào ngày 1/10/2018; điều chỉnh giảm 2 đợt ngày 1/11/2018 và 1/12/2018, bình quân giá gas giảm 61.000 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới giảm làm cho chỉ số giá gas giảm 1,98% so với cùng quý năm trước.

Theo VnMedia

 



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE