You are here

Nhịều tranh cãi xung quanh dự thảo sửa đổi Nghị định 86

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GT-VT) Trương Quang Nghĩa vừa ký quyết định thành lập Ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 86/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, theo hướng cởi trói cho doanh nghiệp kinh doanh taxi.

Đồng thời tiến tới khắc phục những bất cập xung quanh việc xe khách, xe hợp đồng trá hình. Tuy nhiên, sau khi được trưng cầu ý kiến, nhiều người cho rằng các “quy định” đang quay vòng.  

Có nên để những hãng taxi chỉ 5-10 xe?

Nghị định 86 quy định các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe. 

Thế nhưng, tại dự thảo thay thế Nghị định 86, Bộ GT-VT đề xuất bỏ quy định về số lượng phương tiện tối thiểu đồng thời quy định chung xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm.  Quanh đề xuất này, đại diện lãnh đạo các hãng taxi cũng bày tỏ những quan điểm trái chiều.

Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thiên Phong (taxi Thành Công) cho rằng, số lượng xe taxi của một doanh nghiệp cũng phần nào phản ánh chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. 

“Doanh nghiệp taxi đầu tư số lượng xe lớn thì cũng phải quan tâm cải thiện chất lượng để thu hút hành khách. Nếu bỏ giới hạn về số lượng xe tối thiểu thì các đơn vị chỉ có 5-10 xe cũng được cấp giấy phép hoạt động dễ dẫn tới tình trạng kinh doanh chộp giật,” ông Quân nhìn nhận

Theo vị Chủ tịch taxi Thành Công, vào năm 2015, một số doanh nghiệp nhỏ, không đủ 50 đầu xe taxi trên địa bàn Hà Nội đã phải sáp nhập với nhau để đáp ứng Nghị định 86 của Bộ GT-VT. Các doanh nghiệp này vừa hoạt động đi vào nề nếp được một thời gian thì đến nay lại đề xuất bỏ quy định này. 

Còn ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, Giám đốc taxi Nguyên Minh hoan nghênh những điểm sửa đổi lần này của Bộ GT-VT và hy vọng sẽ được thông qua, đi vào thực tế. 

Theo ông Minh, việc quy định doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội phải có tối thiểu 50 xe là cứng nhắc, vô tình triệt tiêu những doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Về phía quản lý nhà nước, Phó trưởng phòng Vận tải, Sở GT-VT Hà Nội Nguyễn Tuyển cũng đưa ra quan điểm: “Sở GT-VT Hà Nội không đồng tình với việc nới lỏng quản lý taxi như dự thảo sửa đổi của Bộ GT-VT đang xin ý kiến”. 

Theo đó, lãnh đạo Phòng Vận tải Hà Nội cho rằng, nên giữ nguyên quy định đối với niên hạn xe taxi trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM chỉ được 8 năm, các tỉnh, thành phố khác giữ nguyên là 12 năm.

 

Cần loại bỏ bớt một số quy định bất hợp lý

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có văn bản gửi tới Bộ GT-VT trong đó đề xuất việc loại bỏ một số quy định bất hợp lý. Cụ thể, Văn bản của VCCI nêu rõ, tại điểm b khoản 3 điều 13 Dự thảo có quy định người điều hành vận tải phải có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 1 năm trở lên. 

Theo VCCI quy định này là không phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008. Đồng thời, cản trở những người có năng lực nhưng chưa đủ thời gian làm việc tại đơn vị tham gia vào hoạt động điều hành vận tải ôtô. Cùng đó, quy định trên đã can thiệp bất hợp lý vào quyền tự quyết của doanh nghiệp. Bởi những lý do này, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này. 

Tương tự, tại khoản 5 Điều 40 Dự thảo quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “quy hoạch các loại phương tiện kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trên địa bàn”, Dự thảo không có quy định nào khác về tiêu chí hay các nguyên tắc cần tuân thủ cho việc quy hoạch này. 

Nói cách khác, Nghị định trao toàn bộ quyền quy hoạch về phương tiện và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ cho cấp tỉnh, không có bất kỳ ràng buộc nào.

“Đây có thể là một rủi ro lớn về mặt pháp luật và thực tiễn rất cần được chú ý xem xét”, VCCI nhận định. 

Ngoài các quy định trên, tại điểm c khoản 1 điều 22, Dự thảo cũng quy định “Không được sử dụng xe có phù hiệu “XE NỘI BỘ” để kinh doanh vận tải hoặc cho thuê để vận chuyển người hoặc hàng hóa dưới mọi hình thức”. 

Quy định trên có thể hiểu là nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải trá hình, tuy nhiên cách thức quản lý lại chưa phù hợp. Cần phải kiểm soát đối với chủ thể sử dụng xe ôtô (có thể có được thông qua mua bán/thuê của chủ thể khác), nếu sử dụng ôtô để kinh doanh vận tải  sẽ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh về vận tải ôtô, sử dụng ôtô để vận tải nội bộ sẽ phải tuân thủ các quy định đối với hình thức vận tải này. Hơn nữa, quy định hiện tại đang quản lý theo hướng này. Do đó, VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Dự thảo.

Nói về Dự thảo sửa đổi nghị định 86, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) cho biết, việc sửa đổi Nghị định 86 nhằm cụ thể hoá Luật Giao thông đường bộ, tập trung vào vấn đề vận tải hành khách bằng tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe du lịch, xe hợp đồng. 

Trong đó, Bộ GT-VT cũng mạnh dạn đưa ứng dụng hợp đồng điện tử vào áp dụng trong hoạt động xe chạy hợp đồng. “Trước khi trình lên Chính phủ, Bộ GT-VT sẽ tổ chức lấy ý kiến đầy đủ cộng đồng các doanh nghiệp, Hiệp hội vận tải và Sở GT-VT các tỉnh, thành phố để làm sao cho việc quản lý được thiết thực nhất nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến kinh doanh của  các doanh nghiệp”, ông Trần Bảo Ngọc cho hay.

Theo CAND



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE