You are here

Một tháng, 100 nhà khoa học mới mô tả được Formosa

Chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ TN&MT sáng qua (18/7), lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, tồn tại nhiều bất cập trong quản lý môi trường hiện nay.

Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp của Formosa Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, sự cố cá chết ở bốn tỉnh miền Trung chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Ban đầu có sự lúng túng, phối hợp chưa nhịp nhàng trong xử lý sự cố.

Theo ông Tài, Tổng cục Môi trường đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc sau sự cố này, kiểm điểm, đánh giá nhằm khắc phục những tồn tại và hướng tới hoàn thiện hơn trong công tác quản lý nhà nước về môi trường. Ông Tài cho biết, vấn đề môi trường hiện nay quá nóng, năng lực để phòng ngừa, ứng phó, xử lý sự cố là bất cập so với yêu cầu. Năng lực cơ quan trung ương, địa phương và các đơn vị liên quan chưa đáp ứng được thực tiễn.

Theo ông Trần Hồng Hà, công tác thanh tra, kiểm tra rất quan trọng nhưng nếu làm theo lối mòn cũ như hiện nay thì không bao giờ có thể triển khai được. Ông Hà cho biết, với quy mô lớn như dự án Formosa, dự án nhà máy giấy Lee and Man (Hậu Giang) thì anh em thanh tra vào đấy bị ngợp. Với Formosa, cả 100 nhà khoa học vào một tháng mới mô tả được nhà máy, quy trình công nghệ ra sao, hệ thống xử lý nước thải thế nào.

Cũng theo ông Hà, nảy sinh nhiều bất cập trong luật pháp về bảo vệ môi trường. Luật quy định cần ĐTM ngay từ khi mới có ý tưởng, đề xuất dự án để làm căn cứ xét duyệt đầu tư, cấp giấy phép đầu tư.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, từ sự cố Formosa phải rà soát lại tất cả các dự án lớn và những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc kiểm soát, giám sát phải ngay từ khâu ĐTM. 

Theo Phó Thủ tướng, trước đây chúng ta chủ quan, đánh giá chưa đúng vai trò của ĐTM, chỉ đánh giá ở giai đoạn trước đầu tư. Bây giờ, khi dự án chuẩn bị đi vào hoạt động cũng phải kiểm tra, đánh giá. Công trình đang hoạt động cũng phải thanh tra, kiểm tra. Phải làm rõ được dự án nào gây ô nhiễm phải đóng cửa hoặc tạm dừng. Dự án nào được phép tiếp tục hoạt động.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, Bộ TN&MT tổ chức trang bị, có kế hoạch đầu tư hệ thống quan trắc môi trường ở tất cả các điểm xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo kiểm soát 24/24 các nguồn thải ra môi trường. Hệ thống quan trắc này phải được kết nối với cơ quan chức năng để kiểm soát. “Tất cả các địa phương phải kiểm soát được việc xả thải trên địa bàn mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần sớm công bố mức độ an toàn của biển miền Trung

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải sớm công bố mức độ an toàn môi trường để người dân, doanh nghiệp được biết, sớm ổn định sản xuất, sinh hoạt, kinh doanh, đánh bắt thủy hải sản. Khi công bố phải có đầy đủ chứng cứ khoa học, do các nhà khoa học quyết định. BộTN&MT chỉ là người phát ngôn thay, phải tổ chức họp báo và phải mời các nhà khoa học đến đây để công bố.

Theo Tiền phong



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE