You are here

Dấu hiệu đáng ngờ rửa tiền-khó lượng hóa

Khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), nội dung nhận được nhiều ý kiến của đại biểu là dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, dấu hiệu đáng ngờ liên quan tới hành vi rửa tiền được quy định ở rất nhiều điều khoản trong dự luật, liên quan tới nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, các dấu hiệu đó hầu như chỉ là định tính, không có định lượng cụ thể nên rất khó áp dụng trong thực tiễn.

Giải trình về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, các dấu hiệu đáng ngờ liên quan tới hành vi rửa tiền quy định trong dự thảo luật đã được cơ quan soạn thảo tổng hợp kinh nghiệm và tính phổ biến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Cơ quan soạn thảo cũng cân nhắc tới yếu tố đặc thù về hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm... của Việt Nam; đồng thời dự phòng trường hợp quy định mang tính định lượng rõ ràng trong luật có thể khiến các chủ thể tham gia giao dịch tìm cách lách luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: hanoimoi.com.vn 

Dấu hiệu đáng ngờ liên quan tới hành vi rửa tiền quả là rất khó để định lượng cụ thể. Bởi khái niệm “đột biến” hay “lớn bất thường” trong giao dịch tùy thuộc vào thu nhập của từng đối tượng cụ thể. Giao dịch tiền gửi ngân hàng khoảng vài tỷ đồng với người không có thu nhập thường xuyên, hoặc thu nhập thường xuyên rất thấp đã có dấu hiệu đáng ngờ, nhất là trong bối cảnh trên địa bàn vừa xảy ra một hành vi tội phạm như trộm cắp. Tuy nhiên, cũng với giao dịch ngân hàng vài tỷ đồng, nhưng với một doanh nhân có khối tài sản rất lớn thì dấu hiệu đáng ngờ ở đây lại hầu như không có. Các giao dịch về tài chính, chứng khoán, bất động sản hay bảo hiểm cũng tương tự như vậy. Giá trị của một giao dịch tuy bằng nhau nhưng với nhóm người này thì có dấu hiệu đáng ngờ cao, với nhóm người khác thì không phải là dấu hiệu đáng ngờ.

Ví dụ, trên địa bàn một vùng nông thôn vừa xảy ra vụ trộm đột nhập tiệm vàng, lấy cắp một số lượng lớn vàng. Một thời gian sau, một người không có thu nhập ổn định mang một lượng lớn tiền tới ngân hàng gửi tiết kiệm. Đây là dấu hiệu đáng ngờ cần phải được ghi nhận. Bởi việc gửi tiền vào ngân hàng là một thủ thuật rửa tiền kinh điển. Lúc này, tổ chức tín dụng nhận khoản tiền gửi này phải có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền (theo dự thảo luật là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) về dấu hiệu đáng ngờ, áp dụng các biện pháp tạm thời để phục vụ công tác điều tra được tiến hành thuận lợi, kịp thời.

Bởi thế, thay vì đòi hỏi phải lượng hóa dấu hiệu đáng ngờ liên quan tới hành vi rửa tiền, có lẽ chúng ta cần nghĩ tới những giải pháp để nâng cao trách nhiệm của người có trách nhiệm, phải kịp thời báo cáo dấu hiệu đáng ngờ với cơ quan chức năng, để mọi hành vi rửa tiền đều được phát hiện và xử lý, đáp ứng các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

CHIẾN THẮNG



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE