You are here

Những cột mốc đánh dấu sự hình thành và phát triển của trí tuệ nhân tạo

Khái niệm “Trí tuệ nhân tạo” (AI) xuất hiện lần đầu tiên vào mùa hè năm 1956 khi được nhà khoa học máy tính người Mỹ John McCarthy đưa ra tại Hội nghị Dartmouth để mô tả ngành khoa học kỹ thuật tạo ra máy móc thông minh có thể bắt chước hành vi của con người.

Kể từ thời điểm đó, trí tuệ nhân tạo không ngừng phát triển và đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại, hiện diện trong hầu hết các ngành nghề dưới các dạng: học máy, thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói hay robot… Cùng điểm lại những cột mốc chính trong quá trình hình thành và phát triển của công nghệ đột phá này.

1943: Warren McCulloch và Walter Pitts xuất bản bài báo “Phép tính logic của các ý tưởng nội tại trong hoạt động thần kinh”, thảo luận về các mạng nơ-ron nhân tạo (artificial neural networks) được lý tưởng hóa và đơn giản hóa, cũng như cách chúng có thể thực hiện các chức năng logic đơn giản. Mạng nơ-ron nhân tạo là tiền thân của học sâu (deep learning) đang rất phổ biến hiện nay.

Mạng nơ-ron nhân tạo là tiền thân của học sâu (deep learning). (Ảnh: Getty Images)

1947: Nhà thống kê John Tukey dùng thuật ngữ “bit” để chỉ một chữ số nhị phân - một đơn vị thông tin được lưu trữ trong máy tính.

1949: Donald Hebb đề xuất lý thuyết về học tập dựa trên những phỏng đoán liên quan đến các mạng nơ-ron, và khả năng kết nối giữa các nơ-ron có thể mạnh lên hoặc yếu đi theo thời gian.

1950: Claude Shannon xuất bản bài báo “Lập trình một máy tính chơi cờ vua” - bài báo đầu tiên về phát triển một phần mềm máy tính chơi cờ vua.

1950: Alan Turing xuất bản một bài báo nổi tiếng có tựa đề “Máy móc có thể suy nghĩ?”, trong đó ông đưa ra khái niệm về tư duy của máy móc và đề xuất phép thử Turing - một bài kiểm tra khả năng trí tuệ của máy tính.

1952: Arthur Samuel phát triển một chương trình chơi cờ caro có khả năng tự học và thậm chí có thể đánh bại những người chơi cờ chuyên nghiệp sau khi được đào tạo.

1955: Herbert Simon và Allen Newell tạo ra chương trình trí tuệ nhân tạo đầu tiên được đặt tên là “Logic Theorist”. Chương trình này đã chứng minh được 38 trong số 52 định lý Toán học, đồng thời tìm ra những cách chứng minh mới và hay hơn cho một số định lý khác.

1956: Cụm từ “trí tuệ nhân tạo” được đề xuất bởi nhà khoa học máy tính người Mỹ John McCarthy tại Hội nghị Dartmouth, đánh dấu mốc chính thức sự ra đời của trí tuệ nhân tạo.

1957: Frank Rosenblatt phát triển Perceptron, mạng nơ-ron nhân tạo đầu tiên cho phép nhận dạng mẫu dựa trên một mạng học tập máy tính (computer learning network - CLN) gồm 2 lớp.

1958: John McCarthy phát triển ngôn ngữ lập trình Lisp, trở thành ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất được sử dụng trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.

1959: Arthur Samuel đưa ra khái niệm “học máy” (machine learning), báo cáo về việc lập trình một máy tính “để nó học cách chơi một ván cờ caro tốt hơn những gì người viết chương trình có thể chơi”.

1961: Unimate, robot công nghiệp đầu tiên bắt đầu hoạt động trên dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy của General Motors ở bang New Jersey (Mỹ).

1964: Daniel Bobrow phát triển STUDENT, một chương trình máy tính hiểu được ngôn ngữ tự nhiên.

1965: Joseph Weizenbaum phát triển ELIZA, một chương trình tương tác có thể thực hiện đối thoại bằng tiếng Anh về bất kỳ chủ đề nào.

1965: Edward Feigenbaum, Bruce Buchanan, Joshua Lederberg và Carl Djerassi bắt tay vào phát triển hệ thống chuyên gia (expert system) đầu tiên, DENDRAL, tại Đại học Stanford, nhằm mục đích nghiên cứu sự hình thành giả thuyết và xây dựng các mô hình quy nạp thực nghiệm trong khoa học.

1966: Shakey, robot di động đa dụng đầu tiên được chế tạo tại Đại học Stanford, có thể suy luận về những hành động của chính nó.

Shakey là robot thông minh đa dụng đầu tiên được chế tạo. (Ảnh: The New Stack)

1968: Terry Winograd phát triển SHRDLU, một chương trình máy tính hiểu ngôn ngữ tự nhiên ban đầu.

1970: Robot thông minh hình người đầu tiên được chế tạo tại Đại học Waseda (Nhật Bản), có tên là WABOT-1. Nó bao gồm một hệ thống điểu khiển chân tay, một hệ thống hiển thị và một hệ thống đàm thoại.

1972: MYCIN, một hệ thống chuyên gia được thiết kế tại Đại học Stanford để phát hiện vi khuẩn gây nhiễm trùng nghiêm trọng và đề xuất loại thuốc kháng sinh điều trị.

1972: Ngôn ngữ lập trình logic PROLOG ra đời.

1974-1980: “Mùa đông AI” (AI Winter) đầu tiên. Thuật ngữ “Mùa đông AI” đề cập tới giai đoạn mà nguồn tài trợ cho các dự án nghiên cứu trí tuệ nhân tạo bị cắt giảm nghiêm trọng do tiến độ chậm chạp trong phát triển AI.

1980: Wabot-2 được chế tạo tại Đại học Waseda, Nhật Bản. Đây là một robot hình người có thể giao tiếp với con người, đọc bản nhạc và chơi các giai điệu có độ khó trung bình trên đàn organ điện tử.

1981: Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Nhật Bản cấp ngân sách 850 triệu USD cho dự án ‘Máy tính thế hệ thứ 5’, nhằm phát triển các máy tính có thể thực hiện các cuộc hội thoại, dịch ngôn ngữ, hiểu được các hình ảnh và suy luận như con người.

1984: Phát hành bộ phim Electric Dreams về tình yêu tay ba giữa một người đàn ông, một người phụ nữ và một máy tính cá nhân.

1985: Hệ thống kinh doanh thông minh đầu tiên được Metaphor Computer Systems phát triển cho công ty Procter & Gamble để liên kết thông tin bán hàng và dữ liệu máy quét bán lẻ.

1986: Chiếc ô-tô không người lái đầu tiên (một chiếc xe van Mercedes-Benz) có trang bị camera và cảm biến, được chế tạo tại Đại học Bundeswehr ở Munich dưới sự chỉ đạo của Ernst Dickmanns, có thể chạy với tốc độ 55 dặm/giờ trên những con đường vắng.

1987-1993: “Mùa đông AI” thứ 2. Một lần nữa, các nhà đầu tư và các chính phủ ngừng tài trợ cho nghiên cứu AI do chi phí cao nhưng không đem lại hiệu quả như mong đợi.

1995: Richard Wallace phát triển chatbot A.L.I.C.E, lấy cảm hứng từ chương trình ELIZA của Joseph Weizenbaum, nhưng có thêm bộ sưu tập dữ liệu mẫu ngôn ngữ tự nhiên ở quy mô chưa từng có, được thúc đẩy bởi sự ra đời của Web.

1997: Deep Blue của IBM trở thành chương trình máy tính đầu tiên đánh bại một nhà vô địch cờ vua thế giới (Garry Kasparov).

1998: Tiến sĩ Cynthia Breazeal tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ra mắt Kismet, một robot thông minh có thể nhận diện và phản hồi cảm xúc của con người.

2000: Honda ra mắt robot hình người ASIMO có thể đi nhanh như con người, giao khay cho khách hàng trong một bối cảnh nhà hàng.

 

2002: Lần đầu tiên, robot xuất hiện trong các ngôi nhà dưới dạng Roomba, một máy hút bụi tự động do iRobot phát triển.

Robot Asimo của Honda di chuyển trong một sự kiện

2006: AI xuất hiện trong giới kinh doanh. Các công ty như Facebook, Twitter và Netflix bắt đầu sử dụng AI.

2009: Các nhà khoa học máy tính tại Phòng thí nghiệm Thông tin Thông minh, Đại học Northwestern phát triển Stats Monkey, một chương trình viết tin tức thể thao mà không cần sự can thiệp của con người.

2011: Watson, máy tính trả lời câu hỏi của IBM tham gia game show truyền hình Jeopardy! và đánh bại 2 nhà cựu vô địch. Watson đã chứng minh rằng nó có thể hiểu ngôn ngữ tự nhiên và có thể giải quyết các câu hỏi hóc búa một cách nhanh chóng.

2011: Apple tích hợp Siri, một trợ lý ảo thông minh với giao diện giọng nói, vào iPhone 4S.

2014: Chatbot Eugene Goostman vượt qua phép thử Turing với 1/3 giám khảo tin rằng Eugene là con người.

 

2014: Amazon ra mắt Alexa, một trợ lý ảo thông minh với giao diện giọng nói hỗ trợ hoạt động mua sắm của khách hàng.

Robot Sophia của Hanson Robotics là robot đầu tiên được cấp quyền công dân ở một quốc gia trên thế giới. (Ảnh: ITU)

2016: “Công dân robot” đầu tiên ra mắt công chúng. Đây là robot hình người có tên Sophia được Hanson Robotics chế tạo, có khả năng nhận dạng khuôn mặt, giao tiếp bằng lời nói và biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt.

2017: AlphaGo của Google DeepMind đánh bại nhà vô địch cờ vây Lee Sedol, trở thành chương trình máy tính đầu tiên giành chiến thắng trước một kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp.

2020: OpenAI phát hành mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên GPT-3 có thể tạo ra văn bản dựa trên AI.

2021: OpenAI dựa trên GPT-3 để phát triển DALL-E để tạo hình ảnh từ lời nhắc văn bản.

 

5/2022: DeepMind ra mắt Gato, một hệ thống AI đa phương thức được đào tạo để thể thực hiện hàng trăm nhiệm vụ khác nhau như chơi video game, tạo chú thích cho hình ảnh và sử dụng cánh tay robot để xếp khối.

11/2022: OpenAI ra mắt ChatGPT, một chatbot AI có khả năng tương tác ở dạng đàm thoại và đưa ra những phản hồi bằng ngôn ngữ tự nhiên. Công cụ này đã cán mốc 100 triệu người dùng chỉ 2 tháng sau khi ra mắt, trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

2023: Màn ra mắt bùng nổ của ChatGPT là cú huých dẫn đến hình thành một cuộc đua nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trên phạm vi toàn cầu, với sự tham gia của hàng loạt ông lớn công nghệ như Microsoft, Google, Alibaba, Baidu…

VĂN TOẢN

 



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE