You are here

Sản xuất hữu cơ góp phần nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam

Ngày 22/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo “Chia sẻ thông tin về chính sách quản lý để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.”

Thu hoạch chè Shan Tuyết ở những cây cao gần 10m. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến nhằm xây dựng hoàn thiện Nghị định Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới. 

Chia sẻ về những khó khăn của nông nghiệp hữu cơ, tiến sỹ Phạm Đồng Quảng, chuyên gia nghiên cứu sản xuất nông nghiệp, cho biết, hiện Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và không có chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. 

Ở một số nơi, đất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu phân hữu cơ, trong khi sâu bệnh, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng. 

Giá thành sản phẩm hữu cơ không cao so với sản phẩm thông thường trong khi chi phí sản xuất cao.

Thị trường tiêu thụ và hướng xuất khẩu cũng là một trong những thách thức lớn đối với phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. 

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, nhận định, nếu chúng ta không sớm thực hiện nông nghiệp hữu cơ thì sẽ thua ngay trên sân nhà trong thời gian tới. 

Người tiêu dùng hiện đang ưa chuộng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhập khẩu, nhất là nông sản sạch đến từ Nhật Bản. 
Vì vậy bây giờ mới bắt đầu thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ là quá trễ, cần sớm có những quy định cũng như chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trước hết là tiêu thụ được trong nước, cạnh tranh với sản phẩm hữu cơ nhập từ nước ngoài, sau đó đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường quốc tế. 

Bên cạnh những khó khăn này, trên thị trường nông nghiệp Việt Nam hiện có nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đóng nhãn mác thực phẩm hữu cơ nhưng lại chưa thực sự phù hợp với tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm khiến người tiêu dùng hoang mang và thiếu tin tưởng vào chất lượng các loại sản phẩm hữu cơ đang lưu thông trên thị trường. 

Trong khi đó, thị trường sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới tăng trưởng nhanh (10-15%/năm) trong nhiều năm qua. 

Theo thống kê, 10 nước có thị trường hữu cơ lớn nhất có tổng giá trị 72 tỷ USD, trong đó đứng đầu là Mỹ, tiếp theo là Đức, Pháp, Trung Quốc, Canada, Anh,… 

Khu vực châu Á có nhiều sản phẩm hữu cơ xuất khẩu như chè hữu cơ từ Trung Quốc, Ấn Độ, rau hữu cơ từ Thái Lan, càphê hữu cơ của Timor Leste, chuối và xoài hữu cơ của Philippines... 

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có lợi thế lớn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ vì là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trong khi thị trường sản phẩm hữu cơ thế giới ngày càng mở rộng. 

Nhu cầu sản phẩm hữu cơ trong nước cũng tăng cao ở khu vực thành thị và tầng lớp trung lưu do các vấn đề về an toàn thực phẩm. 

Hiện có một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả như rau hữu cơ PGS Thanh Xuân (Hà Nội), Tân Lạc (Hòa Bình); Ecolink-Ecomark xuất khẩu chè Shan Tuyết sang thị trường châu Âu; mô hình nông nghiệp Organic ở Đà Lạt; mô hình nuôi bò sữa Văn Trác; dược liệu TH Herbals; phân hữu cơ Humat TE đạt chứng nhận Organic theo tiêu chuẩn Mỹ. 

[Phát triển Tây Nguyên thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn]

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian qua, diện tích nuôi trồng hữu cơ ở Việt Nam ngày càng gia tăng đáng kể, trong đó diện tích nuôi trồng hữu cơ năm 2015 đạt hơn 76.000 ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010. 

Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó các sản phẩm như chè, rau củ quả, gia vị, tinh dầu đã tiếp cận được thị trường Mỹ và châu Âu. 

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, Bộ đang xây dựng Nghị định Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam theo yêu cầu của Chính phủ, với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm giúp cho nghị định sát với thực tế, có tính định hướng và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong nước, bắt kịp xu thế sản xuất nông nghiệp trên thế giới. 

Theo ông Trần Thanh Nam, Nghị định Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ Việt Nam và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, việc tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ được thực hiện xã hội hóa dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước. 

Ngoài việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hữu cơ, xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất hữu cơ, Nghị định cũng tập trung vào nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có một số chính sách đặc thù hỗ trợ không quá 50% cho hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ tùy theo vùng, khu vực./. 

 

Theo TTXVN/Vietnam+



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE