You are here

Nhiều mẫu nước mắm không đạt tiêu chuẩn

Theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), 125/150 mẫu nước mắm có ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu của nhóm hóa học không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa. Những sản phẩm nước mắm đã được cấp phép lưu thông trên thị trường đều không có hàm lượng arsen vô cơ.

Phân biệt nước mắm và nước chấm

Trong các tiêu chí để đánh giá chất lượng của nước mắm, độ đạm là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, dựa vào độ đạm để đánh giá chất lượng của nước mắm thì vẫn chưa đủ. Bởi trên thực tế, có nhiều cách tăng độ đạm của nước mắm như bổ sung vào từ nguồn đạm khác như ure, axiamin, melamine… Thậm chí, nước mắm trôi nổi trên thị trường hiện nay chỉ là pha hương liệu, chất màu và một số axi amin, tỷ lệ nước mắm gốc không có hoặc rất thấp. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nước mắm có hàm lượng đạm cao và quá mặn cũng không tốt cho sức khỏe.

Trong thời gian tới, VINASTAS sẽ công bố tên các loại nước mắm và công ty sản xuất nước mắm đạt chuẩn. Đồng thời, sẽ tiếp tục tiến hành phân tích hàm lượng chì có trong nước mắm. Đây là hoạt động cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vương Ngọc Tuấn  cho biết.

Về nguyên tắc, nước mắm được làm từ cá và muối nhưng thực tế thị trường lại xuất hiện nhiều loại nước mắm được làm từ đường, chất điều vị, chất bảo quản, chất tạo ngọt tổng hợp, màu tự nhiên… Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Vương Ngọc Tuấn khuyến cáo người dân nên lựa chọn những sản phẩm đã được đăng ký chất lượng, bên cạnh đó phải phân biệt được các loại nước mắm với nhau với các mức độ từ loại 1 đến loại 4. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, quy định về độ đạm trong sản phẩm từ 10 độ trở lên thì gọi là nước mắm, còn dưới thì gọi là nước chấm. Vì vậy, người tiêu dùng nên hiểu rõ cách phân biệt các loại nước mắm và nước chấm.

Không có arsen vô cơ

Theo Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) Đoàn  Phương, từ tháng 3 Hội đã tiến hành khảo sát gần 90 loại nước mắm nội địa và một mẫu sản xuất tại Thái Lan đang lưu thông trên thị trường. Việc đánh giá chất lượng, an toàn nước mắm được thực hiện bằng cách gửi thử nghiệm mẫu tại các phòng thí nghiệm được lựa chọn và tiến hành đánh giá sự phù hợp với các quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam 5107:2003; Quy chuẩn Việt Nam 8-2:20/BYT và CODEX STAN 302:2001. Các cuộc khảo sát dựa trên phương pháp so sánh hàm lượng nước mắm có đúng với ghi nhãn hay không.

Theo đó, VINASTAS đã tiến hành lấy mẫu khảo sát nội dung ghi nhãn và các nhóm chỉ tiêu hóa học về thành phần cấu tạo, an toàn thực phẩm của nước mắm gồm: Thành phần hóa học (nitơ toàn phần; nitơ axit amin và nitơ ammoniac), hàm lượng kim loại nặng (arsen - thạch tín), hàm lượng muối. 150 mẫu nước mắm thành phần đóng chai có hàm lượng nitơ toàn phần ghi trên nhãn từ 10g/l đến 60g/l tại các đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại... đã được lấy mẫu ở 19 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Ngày 17.10, VINASTAS đã công bố kết quả. Theo đó, 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu của nhóm hóa học không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa. Trong đó: 51% mẫu có nitơ toàn phần nhỏ hơn nội dung doanh nghiệp công bố trên nhãn hàng hóa; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ axit amin; 2% mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ ammoniac. Đặc biệt có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/l).

Trong số 51% số mẫu có lượng nitơ toàn phần thấp hơn con số nhà sản xuất công bố trên nhãn hàng hóa, có tới gần 15% số mẫu có độ chênh lệch so với nhẫn mác trên 40%. Theo quy định Quy chuẩn Việt Nam 8-2:2001/BYT, hàm lượng arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0mg/l. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm arsen tổng cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát không đạt quy chuẩn của Quy chuẩn Việt Nam này. Trong đó, hàm lượng arsen tổng của các mẫu không đạt dao động từ trên 1,0mg/l đến 5 mg/l…

Trao đổi với PV báo Đại biểu Nhân dân, ông Vương Ngọc Tuấn khẳng định: Những sản phẩm nước mắm đã được cấp phép lưu thông trên thị trường đều không có hàm lượng arsen vô cơ, đây là chất hóa học có lượng độc gấp 100 lần so với arsen hữu cơ. Khi loại chất này đưa vào cơ thể dưới dạng phức methyl và dimethyl gây tiêu chảy và gây hại cho thận, bên cạnh đó có vài nghiên cứu cho thấy ăn phải arsen vô cơ có thể là nguy cơ của bệnh ung thư da, ung thư gan, phổi, bàng quang… Với kết quả vừa công bố, lượng arsen xuất hiện trong nước mắm là những arsen hữu cơ và thông thường không gây hại cho sức khỏe con người. Để bảo vệ người tiêu dùng, ông Tuấn đề xuất cần thay đổi Tiêu chuẩn 2003 vì nó quá cũ không phù hợp với thực tiễn. Hiện tại, VINASTAS đã tiến hành gửi đề xuất và gợi ý để xây dựng bộ tiêu chuẩn mới; hy vọng đề xuất này sẽ được hiện thực hóa - Ông Tuấn nhấn mạnh.

 

Theo daibieunhandan.vn



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE