You are here

Vẫn chưa thể xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

Tại cuộc họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh diễn ra chiều 21/4, bà Lê Thiện Huỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, việc số ca giảm sâu cho thấy công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã phát huy hiệu quả. Vaccine đã tạo được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn rất thận trọng bởi vẫn còn có khả năng dịch có thể bùng phát do những biến chủng mới xuất hiện trong thời gian tới, đồng thời chưa thể xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

"Về việc công nhận bệnh dịch thành bệnh truyền nhiễm thành bệnh đặc hữu thì phải ở cấp độ quốc gia, châu lục chứ không phải dựa vào tình hình dịch ở một địa phương. Việc này sẽ do Bộ Y tế đánh giá”, bà Như thông tin.

Liên quan đến công tác tiêm vaccine, tính đến ngày 20/4, TP Hồ Chí Minh đã tiêm cho hơn 93.500 trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Trong đó có 1.798 trẻ phải hoãn tiêm do đa số nhiễm COVID-19 chưa đủ thời gian 3 tháng. Ngoài ra, có 458 trẻ có cơ địa béo phì, bệnh nền được chỉ định chuyển đến bệnh viện tiêm. Để đảm bảo cho trẻ sau tiêm, phụ huynh có nhiều cách thức để liên hệ với nhân viên y tế.

Bà Lê Thiện Huỳnh Như cho biết thêm: "Ngoài số điện thoại của trạm y tế, của nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng cung cấp, khi cần thiết phụ huynh có thể liên hệ với Tổng đài 1022 nhánh 3 vào các khung giờ từ 8h-12h, 14h-16h và buổi tối từ 19h-21h để được hỗ trợ, tư vấn".

Trước thắc mắc các học sinh tiểu học (đa số trẻ 6 tuổi) chưa được cấp mã định danh cá nhân nên không thể đăng ký tiêm chủng cho con em, bà Huỳnh Như cho biết ngành y tế sẵn sàng hỗ trợ cho các bé được tiêm. Trong quá trình tiêm, ngành y tế sẽ ghi nhận lại thông tin của các bé để sau này tiến hành các bước xác định định danh cho trẻ.



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE