You are here

Thế giới năm 2020: Đại dịch COVID-19 đảo lộn tất cả

2020 được đánh giá là một năm đầy biến động với sự hoành hành của COVID-19, mùa bầu cử đầy tranh cãi của Mỹ và cuộc chiến pháp lý quyết liệt Biển Đông.

 

Đại dịch COVID-19

 

Tháng 11/2019, thế giới ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Người này được biết đến là "bệnh nhân số 0" là một cư dân Hồ Bắc (Trung Quốc) 55 tuổi.

 

Tới giữa tháng 1, WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tháng 4/2020, gần 1/3 thế giới chịu ảnh hưởng bởi các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội. Người dân được yêu cầu hạn chế đi lại, tiếp xúc gần. Hàng loạt hoạt động tập trung đông người bị hạn chế, giao thông công cộng bị đình trệ, ngành du lịch bị “đóng băng”.

Thế giới hiện ghi nhận hơn 68 triệu ca bệnh, hơn 1,5 triệu người chết vì dịch. (Ảnh: AP)

 

Tính tới nay, thế giới ghi nhận hơn 68 triệu ca bệnh, hơn 1,5 triệu người chết, số người khỏi bệnh là hơn 47 triệu người.

 

Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 15 triệu ca mắc bệnh, gần 300.000 người chết. Theo sau đó là Ấn Độ, Brazil, Pháp, Nga với hàng triệu người mắc bệnh và hàng chục nghìn người chết. Trong khi một số quốc gia đã phần nào khống chế được dịch và tập trung hồi phục kinh tế, nhiều quốc gia như Mỹ và các nước châu Âu đang phải đương đầu với làn sóng lây nhiễm thứ 2, thứ 3.

 

Các lệnh phong tỏa bị gỡ bỏ vài tháng gần đây cũng được áp đặt lại. Song song với nỗ lực chống dịch, các nước cũng đẩy mạnh việc bào chế vaccine. Nga đang đi đầu cuộc chiến này với 2 vaccine được phê chuẩn vào tháng 8 và tháng 10. Tuy nhiên, độ hiệu quả và tính an toàn của loại vaccine này vẫn bị nghi ngờ. 

 

Các nước cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine. Trong đó, Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 từ 8/12.

 

Tuy nhiên, đại dịch này chưa có dấu hiệu sẽ giảm bớt khi vaccine ra đời. Tại Anh, một chủng virus SARS-Cov-2 mới được phát hiện khiến nhiều quốc gia châu Âu tuyên bố đóng cửa biên giới với nước này để tránh một cuộc lây lan mới ra toàn châu lục. 

 

Đại dịch COVID-19 đã phá hoại nền kinh tế toàn cầu, kéo theo một sự sụt giảm nghiêm trọng chất lượng sống trên toàn cầu. Chỉ số phát triển con người (HDI) lần đầu tiên đạt mức âm sau hơn 30 năm tăng trưởng dương. Rất nhiều nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng và xu hướng này sẽ còn tiếp tục đầu những năm 2021 và khó có thể lấy lại cân bằng trong một vài năm tới.

 

Nga sửa đổi Hiến pháp, kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống

 

Đầu tháng 7, gần 80% cử tri Nga bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp Nga trong đó bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Về lý thuyết, sửa đổi này cho phép Tổng thống Vladimir Putin ra tranh cử thêm 2 lần nữa, và như vậy ông Putin có khả năng duy trì quyền lực cho đến năm 2036.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: RIA Novosti)

 

Tổng thống Putin gửi lời cảm ơn tới những người đã ủng hộ và tin tưởng mình, nhưng không đề cập tới việc có định tái tranh cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào 4 năm tới hay không. Nếu kịch bản này xảy ra, ông Putin có thể sẽ trở thành người nắm quyền lâu nhất kể từ thời kỳ Peter Đại đế. Vào thời điểm năm 2036, ông Putin 83 tuổi. 

 

Theo nhà phân tích chính trị Valery Solovei tại Viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Matxcơva, thực tế hiện tại ở Nga là không ai có thể trám vào vị trí mà Putin bỏ lại nếu ông rời đi vì họ chưa đủ tầm và không giành được sự tín nhiệm như ông Putin đã có suốt 2 thập kỷ qua.

 

Do đó, kịch bản ông Putin nắm quyền trọn đời nếu xảy ra vẫn sẽ hợp ý của khá nhiều chính khách trong bộ máy chính trị Nga, những người chưa dám đặt niềm tin rằng có ai đó có đủ tầm vượt qua vị Tổng thống đương nhiệm.

 

Cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông

 

Bất chấp đại dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc, trong năm qua, hàng loạt các quốc gia có động thái phản đổi mạnh mẽ nước này.

 

Hai cụm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Mỹ trong một cuộc tập trận ở Biển Đông. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Trong năm 2020, Philippines, Malaysia, Indonesia đồng loạt gửi công hàm ngoại giao lên Liên hợp quốc, phản đối yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, các nước có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ và Australia hay 3 nước châu Âu - Anh, Pháp, Đức - cũng gửi công hàm bác bỏ yêu sách Biển Đông của Bắc Kinh.

Về phần mình, Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố gay gắt chỉ trích các hành vi phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này như tập trận trái pháp, dựng trạm nghiên cứu Trường Sa....

Bên cạnh đó, các nước trong và ngoài khu vực thúc đẩy các chương trình hợp tác tạo thành một "liên minh" kiềm chế sự hung hăng, bành trướng của Trung Quốc.

Đụng độ biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

Căng thẳng tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc nhiều thập kỷ qua bị đẩy lên cao trào sau vụ đụng độ ở khu vực biên giới khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng hồi tháng 6.

Xe quân sự Ấn Độ được triển khai đến khu vực biên giới ở Kashmir. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc không thông báo thương vong sau vụ đối đầu đẫm máu. Sau vụ việc này, hai nước bước vào 8 vòng đàm phán cấp cao.

Tại các vòng thương thảo, hai bên thảo luận về lộ trình rút quân khỏi các điểm xung đột ở khu vực này và xem xét các bước đi tiếp theo để duy trì sự ổn định trên thực địa và tránh bất kỳ hành động nào có thể gây ra căng thẳng mới trong khu vực.

Tuy nhiên, sau cuộc đàm phán mới nhất, vẫn chưa có bất cứ tiến triển nào được ghi nhận. Khi chưa tìm được tiếng nói chung, cả Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang tăng cường thêm binh lính, khí tài ra khu vực biên giới để duy trì, củng cố lực lượng. 

Bầu cử Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống 2020 được đánh giá là một trong những cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. (Ảnh: Getty Images)

Hôm 7/11, truyền thông Mỹ tuyên bố ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ đắc cử. Ông Biden giành chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri, vượt xa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chỉ giành được 232 phiếu.

Bất chấp điều này, ông Trump không công nhận kết quả, khẳng định cuộc bầu cử năm nay có gian lận và tiếp tục theo đuổi cuộc chiến pháp lý ở nhiều bang chiến trường.

Tới nay, Tổng thống Trump và các đồng minh đã tiến hành ít nhất 50 vụ kiện nhằm đảo ngược kết quả ở các bang chiến trường mà ông Biden chiến thắng như Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.

Tuy nhiên, nỗ lực pháp lý này tỏ ra không thành công khi hàng chục đơn kiện của chiến dịch tranh cử của ông Trump liên tục bị thẩm phán các bang bác bỏ. 

Các chuyên gia nhận định nỗ lực của ông Trump không thể làm thay đổi được kết quả ông Biden trở thành tân Tổng thống Mỹ và sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 tới.

Xung đột Armenia và Azerbaijan

 

Căng thẳng âm ỉ kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát tại khu vực Nagorno - Karabakh đang tranh chấp vào cuối tháng 9.

Binh lính Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh. (Ảnh: Reuters)

Trong khi Armenia ủng hộ lực lượng ly khai tại đây, chính quyền Azerbaijan cương quyết giành lại vùng lãnh thổ này. Hàng nghìn người đã thiệt mạng sau các đòn tấn công liên tiếp của 2 bên nhằm vào đối phương. Nhờ nỗ lực làm trung gian của cộng đồng quốc tế, hai bên đã ký kết 3 thỏa thuận ngừng bắn trong thời gian nhưng toàn bộ đều bị đổ vỡ ngay khi vừa có hiệu lực.

Tới ngày 10/11, dưới tác động của Nga, hai bên ký thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh. Cũng theo thỏa thuận trên, Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ triển khai dọc tuyến phân định tạm thời và hành lang Lachin nối Nagorno-Karabakh với Armenia để đảm bảo việc thực thi thỏa thuận.

Hôm 1/12, Azerbaijan hoàn tất việc lấy lại lãnh thổ từ Armenia theo thỏa thuận này, chấm dứt 6 tuần xung đột ở Nagorno-Karabakh. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ca ngợi việc khôi phục quyền kiểm soát các khu vực là một thành tựu lịch sử.

Mỹ-Trung đối đầu trên mọi mặt trận

Dịch COVID-19 khiến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung giảm nhiệt. Nhưng cuộc cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới lại trải đều và gay gắt hơn trên hàng loạt vấn đề từ Hong Kong, Đài Loan, công nghệ. 

Kể từ đầu năm, cuộc khẩu chiến qua lại về COVID-19 giữa Bắc Kinh và Washington vẫn chưa chấm dứt. Trong khi Mỹ chỉ trích Trung Quốc gây ra đại dịch COVID-19 và nhiều lần nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Bắc Kinh, quốc gia tỷ dân cáo buộc Washington lan truyền virus chính trị. 

Mỹ cũng là một trong số quốc gia mạnh mẽ nhất trong việc kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch.

Mỹ-Trung đối đầu trên mọi mặt trận trong năm qua. (Ảnh: Nikkei)

Giống như các năm trước, Hong Kong và Đài Loan tiếp tục là vấn đề làm leo thang căng thẳng Mỹ-Trung suốt 12 tháng qua. Với Đài Loan, Mỹ thúc đẩy các hợp đồng vũ khí cho hòn đảo này trong năm qua. Trong khi cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch về đại dịch COVID-19, Washington không ngừng ca ngợi sự thành công của Đài Loan trong việc chống dịch. Nhiều quan chức Mỹ có các chuyến thăm cấp cao tới Đài Loan, động thái khiến Bắc Kinh chỉ trích gay gắt. 

Về Hong Kong, sau khi Bắc Kinh áp dụng luật an ninh cho thành phố này, Mỹ lên án và áp dụng một loạt các lệnh trừng phạt lên cả quan chức Trung Quóc và Hong Kong. 

Tại Biển Đông, năm qua chứng kiến bước ngoặt trong chính sách của Mỹ về vùng biển này khi Washington ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc. 

Sự kiện Mỹ, Trung đóng cửa lãnh sự quán tại các nước sở tại đánh dấu việc quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất kể từ năm 1979. Nó cũng kéo theo việc Bắc Kinh gây khó dễ cho các nhà ngoại giao Mỹ quay trở lại nước này. 

Năm qua cũng chứng kiến các đòn đánh mạnh mẽ của Mỹ vào các công ty công nghệ Trung Quốc. Nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến Tiktok, Wechat. Mặc dù nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm hạn chế các nền tảng truyền thông xã hội này bị hoãn lại do lệnh của tòa án, Nhà Trắng khẳng định chính quyền Biden sẽ tiếp nối nỗ lực này.

Ngoài mặt trận công nghệ, mặt trận ngoại giao giữa hai nước cũng nóng lên với các lệnh trừng phạt nhắm vào các nhà ngoại giao và truyền thông của đối phương. 

 

Theo VTC News

 



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE