You are here
Sửa luật vì trẻ em
Nhằm giảm số lượng trẻ em không được đăng ký hộ khẩu cũng như không được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, Nhật Bản đã cho ra đời đạo luật mới, trong đó cho phép cha dượng có quyền làm cha đứa trẻ sinh ra trong vòng gần một năm sau khi người mẹ của chúng ly hôn.
Hãng tin Kyodo News cho biết, Quốc hội Nhật Bản cuối tuần vừa rồi đã chính thức thông qua một đạo luật cho phép những người cha dượng có thể nhận quyền làm cha đứa trẻ được sinh ra trong vòng 300 ngày sau khi mẹ của chúng ly hôn. Theo kế hoạch, luật mới này sẽ có hiệu lực trong vòng 18 tháng kể từ khi ban hành và sẽ được áp dụng với tất cả trẻ em ở xứ sở mặt trời mọc sinh ra sau mốc thời gian này. Ngoài ra, luật mới cũng bỏ quy định cấm phụ nữ tái hôn trong vòng 100 ngày sau khi ly hôn, tức là họ có thể lập gia đình mới sớm hơn so với trước đây.
Đặc biệt, đạo luật vừa được Quốc hội Nhật Bản thông qua còn cấm cha mẹ không được sử dụng các hình phạt thể chất hoặc thậm chí là những lời nói gây tổn hại đến sự phát triển lành mạnh của trẻ nhỏ.
Trẻ em Nhật Bản trong một lớp mẫu giáo. Ảnh: The Japan Times
Kyodo News nhận định, luật mới sẽ làm thay đổi hoàn toàn hệ thống Luật Dân sự có từ thế kỷ 19 ở Nhật Bản, chính xác là từ năm 1898. Thông qua luật mới này, Chính phủ Nhật Bản cũng cho phép phụ nữ và trẻ em có quyền nhờ tòa án giải quyết các tranh chấp liên quan tới quan hệ cha con.
Trước đây, những đứa trẻ được sinh ra trong vòng 300 ngày sau khi cha mẹ ly hôn vẫn được coi là con của chồng cũ, ngay cả khi người mẹ đã tái hôn. Trong khi những đứa trẻ sinh ra trong vòng 200 ngày sau khi người mẹ tái hôn lại được coi là con của người chồng mới. Đây là một trong những điều khoản nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em, cụ thể là giúp nhanh chóng xác định người cha hợp pháp của mỗi đứa trẻ được sinh ra.
Ngoài ra, Luật Dân sự trước đây của Nhật Bản cũng quy định các cặp vợ chồng phải mang cùng một họ sau khi kết hôn, nghĩa là một trong hai người phải đổi họ nếu quyết định “về chung một nhà”. Vợ và chồng chỉ được phép mang họ khác nhau trong trường hợp kết hôn với người khác quốc tịch.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng, bộ luật cũ dẫn tới nhiều vấn đề bất cập, chẳng hạn như nhiều người mẹ không đăng ký hộ khẩu cho con mình vì... không muốn dính líu tới chồng cũ, đặc biệt khi trước đó họ là nạn nhân của các hành vi bạo lực gia đình. Hệ quả là rất nhiều đứa trẻ gặp khó khăn trong việc tiếp cận với hệ thống y tế, giáo dục hay các dịch vụ khác.
Tờ Mainichi dẫn kết quả một cuộc khảo sát do Bộ Tư pháp Nhật Bản tiến hành cho thấy, tính tới tháng 8 năm nay, tại Nhật Bản vẫn còn gần 800 người không đăng ký hộ khẩu và nguyên nhân phần lớn là do liên quan tới mối quan hệ cha con của đứa trẻ. Theo luật, những đứa trẻ không có tên trong hộ khẩu sẽ không được hưởng nhiều quyền lợi về giáo dục, y tế và không được cấp hộ chiếu. Ước tính khoảng 2% trẻ em ở Nhật Bản chào đời khi bố mẹ còn chưa kết hôn, trong khi tỷ lệ này ở các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 41%.
Bloomberg cho rằng, các quy định liên quan tới hộ khẩu và quan hệ cha con vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng tại Nhật Bản. Với luật mới, nhiều khả năng số trẻ em không được đăng ký hộ khẩu và không được hưởng các dịch vụ mà chúng đáng được hưởng sẽ giảm đi trông thấy.
“Sự thay đổi của bộ luật sẽ giúp giảm số lượng trẻ em không được đăng ký trong sổ hộ khẩu gia đình”, Tomoshi Sakka, luật sư tham gia vào việc rút ngắn quy định cấm phụ nữ đã ly hôn có quyền tái hôn trong vòng 6 tháng xuống còn 100 ngày, nhấn mạnh. Vị luật sư nói trên cũng cho rằng, việc sửa đổi luật chứng tỏ Nhật Bản đang ngày càng ưu tiên các quyền của trẻ em.
TRUNG DŨNG