You are here

Nước Anh đã bị chia đôi

Hôm qua, hàng triệu người dân Anh đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân mang tính lịch sử để quyết định nước họ sẽ đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU). Dù kết quả là gì, giới chuyên gia cho rằng nước Anh đã bị chia làm đôi.

Một số người ủng hộ Brexit. Ảnh: Guardian

Các điểm bỏ phiếu được mở lúc 7h sáng và đóng vào 22h đêm hôm 23/6. Khoảng 46,5 triệu người đủ điều kiện tham gia cuộc trưng cầu dân ý lần này. Đây là cuộc trưng cầu dân ý thứ 3 trong lịch sử nước Anh và được tổ chức sau cuộc tranh cãi suốt 4 tháng giữa một bên phản đối và một bên ủng hộ nước Anh ra đi (thường gọi là Brexit). 

Nhà báo John Harris viết trên báo Anh The Guardian rằng thời khắc này đối với nhiều người thật kỳ lạ, đầy bất ổn và lo lắng, một phần vì tầm quan trọng của đợt bỏ phiếu, một phần vì cảm xúc vẫn còn chưa lắng xuống sau cái chết của nữ nghị sĩ Jo Cox, và những điều nổi lên suốt hơn một tháng qua về một nhà nước mà họ vẫn gọi là Vương quốc Anh. 

Dĩ nhiên nhiều người hiểu câu chuyện một đất nước đang bị chia rẽ vì tình trạng bất bình đẳng gia tăng, dễ hứng chịu những cơn bộc phát giận dữ và thất vọng, và nay đang đứng trước những cuộc chiến tranh văn hóa kiểu Mỹ - một bức tranh bao trùm cả châu Âu. Nhưng nếu nghĩ xem cuộc trưng cầu dân ý nói với chúng ta điều gì, thì có thể coi đó là một đỉnh cao đáng ngại.

Harris kể rằng, khi ông đứng ở một khu chợ ở Northampton, ông thấy những cử tri kiên quyết ủng hộ Brexit. Một vài trong số họ đơn thuần mang tư tưởng phân biệt chủng tộc, nhưng phần lớn thì không: họ nói về di cư gắn với chuyện việc làm, nhà cửa và những thứ thiết thân khác. 

Sau đó, khi đi trên tàu điện ngầm London, ông nhìn thấy những người có dáng vẻ thành đạt. Họ nhắc đến quan điểm mà một cô gái trẻ sắp học đại học từng bày tỏ trước đó ở Northampton. Cô nói về quan điểm về những người nhập cư thế này: “Họ (những người ủng hộ Brexit) nghĩ họ (người nhập cư) đang lấy mất việc làm của chúng tôi, mang đến tội phạm và khủng bố. Những điều đó thật chẳng có nghĩa gì”.

Nói ngắn gọn, hai nửa đất nước đang nhìn nhau qua một vực thẳm chính trị. Để khiến mọi việc tồi tệ hơn, báo chí cánh hữu tích cực sử dụng những mánh khóe thông thường, còn những báo khác muốn cân bằng nhưng không hiểu được tâm trạng bất ổn của hàng triệu người - không phải những điều Thủ tướng Anh David Cameron hay lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn nói tới. 

Truyền hình còn có nhiều câu hỏi cần trả lời hơn nữa. Họ đưa tin chính trị quá nhiều nhưng cũng chung một kiểu: cưỡi xe qua chiến trường, định hướng dư luận và quá ám ảnh với những người bị coi là bù nhìn của mỗi bên đến nỗi mọi thứ trở nên giống như trận chiến của các võ sĩ giác đấu. Các đảng và chiến dịch vận động cùng những người ủng hộ họ bị gộp chung lại. Kết quả là những ai muốn Brexit bị gắn với điều xấu xí của phong trào đòi ra đi. Nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều.

Nhiều người muốn ra khỏi EU vì họ lo lắng và giận dữ về những hậu quả của sự di chuyển tự do, và vì thế họ đưa ra quyết định một cách hợp lý. Nếu một số người coi Brexit là cơ hội để đẩy nhanh hành trình đưa nước Anh trở thành một xã hội phải bơi hoặc chìm, rất nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động có thể sẽ đồng hành với điều đó.

Vương quốc Anh đánh mất Scotland trong thập kỷ qua cũng vì đống lộn xộn với bất bình đẳng, tiếng nói của người dân không được lắng nghe, chính trị chuyên nghiệp hóa và rối loạn kinh tế. Và nay những vấn đề này đang xé Anh và xứ Wales làm hai (thậm chí 3 hoặc 4). Những điều đang diễn ra ở Anh hôm nay làm nổi lên một mớ những vấn đề khác liên quan văn hóa, di sản và cộng đồng, đòi hỏi mức độ phản ứng cao hơn nhiều, các nhà phân tích nhận định.

Ngay cả khi phe phản đối Brexit thắng cũng không nói lên điều gì về điều kiện thiết yếu của đất nước, ngoại trừ thực tế Anh đã bị chia rẽ như thế nào. Nước Anh đang rơi vào một mớ hỗn độn, và có thể mất vài thập kỷ nữa để bắt đầu đưa mọi thứ trở lại bình thường.

Ảnh hưởng toàn cầu

Scotland tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 về việc có rời khỏi Vương quốc Anh hay không và đã nhận được kết quả 55% dân số phản đối độc lập, và chính những người này cũng ủng hộ EU. Việc Anh rời khỏi EU có thể khiến người Scotland nghĩ lại vấn đề tách khỏi Vương quốc Anh.

Chưa rõ hậu quả tức thì của Brexit ra sao vì Anh sẽ phải đàm phán một thỏa thuận với EU trong khoảng 2 năm. Trong thời gian đó, Anh sẽ vẫn là thành viên EU nhưng sẽ không thể tham gia vào bất kỳ quá trình hoạch định chính sách nào.

Giới chuyên gia cho rằng, việc Anh ra khỏi EU sẽ gây tác động rộng rãi đối với nền kinh tế toàn cầu, kéo lùi những lợi ích kinh tế của nhiều thập kỷ thúc đẩy hội nhập toàn cầu. Brexit có thể tiếp thêm sinh lực cho những chính trị gia chống EU ở Pháp và Hà Lan, những người hưởng lợi từ mối lo lắng về tình trạng nhập cư chứ không phải bận tâm vấn đề kinh tế.

Kết quả 2 cuộc thăm dò dư luận công bố hôm qua cho thấy tỷ lệ ủng hộ/phản đối Anh ở lại EU là 55-45% và 52-48%. Dự kiến, kết quả kiểm phiếu được công bố sau 10h ngày 24/6 (giờ Việt Nam).

Theo Tiền phong



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE