You are here

Châu Phi đẩy mạnh "kinh tế xanh"

Với hơn nửa số quốc gia nằm ở ven biển, đồng thời phần lớn lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển, châu Phi có tiềm năng lớn để phát triển “kinh tế xanh”. Theo các chuyên gia, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, cùng việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, châu Phi có thể thiết lập quan hệ đối tác với các nước cùng chung lợi ích.

Ngư dân đánh bắt cá ngoài khơi bờ biển Senegal. Ảnh CNN

Trang ipsnews.net mới đây đăng bài nhận định của ông X.Chát-tơ-gi, Ðiều phối viên Liên hợp quốc tại Kê-ni-a, về vai trò “kinh tế xanh” ở châu Phi, nền kinh tế ít các-bon, tiết kiệm tài nguyên, tạo ra việc làm và công bằng xã hội. Ðề cập tiềm năng to lớn về “kinh tế xanh” ở châu Phi, tác giả cho biết, 34 trong số 54 quốc gia “lục địa đen” nằm ở các khu vực ven biển, đồng thời hơn 90% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của châu Phi được vận chuyển bằng đường biển. Ngoài ra, vùng lãnh hải thuộc quyền tài phán của các nước châu Phi có diện tích bề mặt là 13 triệu km2, với thềm lục địa khoảng 6,5 triệu km2, bao gồm cả các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tổng giá trị gia tăng của ngành nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá ở châu Phi ước đạt khoảng 24 tỷ USD, tương đương 1,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tất cả các nước châu Phi. FAO phân tích, ngành thủy sản của châu Phi thu hút khoảng 12,3 triệu lao động, nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, đến năm 2020, giá trị kinh tế hàng năm của các hoạt động liên quan năng lượng trong ngành hàng hải ở châu Phi sẽ đạt 2,5 tỷ ơ-rô.

Thực tế, “kinh tế xanh” được lãnh đạo các nước châu Phi xác định sẽ là một phần tất yếu để đưa châu lục thoát nghèo và bứt tốc. Minh chứng rõ nhất cho điều này là Chiến lược “kinh tế xanh” được đưa vào Chương trình nghị sự năm 2063 của Liên minh châu Phi (AU). Tháng 3-2016, Ủy ban Kinh tế về châu Phi của Liên hợp quốc cũng đã công bố cẩm nang về nền “kinh tế xanh”.

Theo ông X.Chát-tơ-gi, để đẩy mạnh “kinh tế xanh”, các nước châu Phi cần tập trung phát triển hạ tầng và năng lực, nhằm bảo đảm an ninh hàng hải và bảo vệ bờ biển. Bên cạnh đó, việc thiết lập quan hệ đối tác, bao gồm các mô hình tài chính sáng tạo và ưu tiên dựa trên khu vực tư nhân cũng được đề xuất cho “lục địa đen”. Các chuyên gia nhận định, Nhật Bản được đánh giá là hình mẫu cho các nước châu Phi tham khảo trong việc đầu tư và thúc đẩy nền kinh tế thân thiện môi trường. Nhật Bản đã đóng góp tích cực bảo đảm tự do và an toàn hàng hải, nhất là cải thiện an toàn hàng hải ở eo biển Ma-lắc-ca.

AU đã đưa ra Chiến lược hàng hải năm 2050 nhằm tạo ra một khuôn khổ cho việc bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên biển của châu Phi. Trọng tâm chiến lược này là tạo ra không gian hàng hải chung, trong đó chú trọng chia sẻ thông tin, tăng cường thương mại và bảo vệ môi trường…

Trong bối cảnh yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế hướng đến tăng trưởng bền vững trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong khu vực, châu Phi đang chú trọng đẩy nhanh giải quyết các tranh chấp, đồng thời tăng cường các cơ chế hợp tác hàng hải giữa các quốc gia. “Lục địa đen” cũng nỗ lực quản lý sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, nhằm thúc đẩy nền “kinh tế xanh”, bảo đảm phát triển bền vững./.

HỒNG LĨNH
Theo nhandan.com.vn



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE