You are here

Tranh luận về sự cần thiết đặt máy chủ quản lý dữ liệu ở Việt Nam

Chúng ta đã có 2 luật để bảo vệ an toàn thông tin mạng rồi, nay thêm một luật nữa, như 3 cái khóa cùng  khóa một cửa. Vậy thì phải xem lại các khóa đã có đã đảm bảo chưa, nếu chưa thì tại sao không gia cố mà lại phải kèm theo một khóa nữa, phức tạp, cồng kềnh hơn...

Sáng nay 23-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng, nhiều ĐBQH bày tỏ quan tâm đến quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông internet cho người dùng ở Việt Nam thì cần phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam.

 

Ủng hộ việc quy định nội dung trên trong Luật, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, môi trường an ninh mạng không khác gì môi trường xã hội.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu phát biểu về dự án Luật An ninh mạng. Ảnh: quochoi.vn

“Môi trường xã hội có gì thì ở môi trường mạng có cái đó, tốt cũng nhiều và xấu cũng lắm. Cái xấu trong môi trường mạng “tấn công”, tác động làm băng hoại tư tưởng, làm sai lệch nhận thức và phát sinh những hành vi sai trái. Nhiệm vụ của nhà nước là phải quản lý, loại trừ bớt các thông tin độc hại cho người dùng và phải chống thất thu thuế như nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT. Luật An ninh mạng được xây dựng trên cơ sở góp phần riêng vào việc thực hiện hai nhiệm vụ đó”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.

Lý giải việc vì sao đã có Luật An toàn thông tin mạng rồi mà vẫn phải xây dựng Luật An ninh mạng, ĐB Nguyễn Hữu Cầu lập luận: “Vì sao trong môi trường xã hội, chúng ta đã có Bộ luật Hình sự để đấu tranh phòng chống các loại tội phạm rồi mà vẫn xây dựng thêm các luật chuyên ngành như: Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống ma tuý, Luật Phòng chống mua bán người? Đó là vì phạm vi điều chỉnh của các luật này hoàn toàn khác nhau. Luật An toàn thông tin mạng bảo vệ sự an toàn thông tin nhưng mang mục đích chung nhất tính nguyên vẹn của thông tin, tính bảo vệ thông tin và khả dụng thông tin, còn Luật An ninh mạng tập trung chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Đây là điểm khác biệt của hai dự án luật này. Và sau này có thêm những luật chuyên sâu cho môi trường mạng là chuyện bình thường”.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu cũng nêu, thực tế ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Anh, Nhật Bản hay Hàn Quốc… đều có Luật Luật An ninh mạng mà Ban soạn thảo đã tham khảo trước khi xây dựng luật này. Về vấn đề, các doanh nghiệp Nhà nước khi cung cấp dịch vụ viễn thông internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam, ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải toàn bộ dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không riêng gì cho một nước cụ thể. Vấn đề này cũng được các nước như: Anh, Mỹ, Canada… đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện quy định này.

Tuy nhiên, sử dụng quyền tranh luận, ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) đề nghị rà soát, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý an toàn thông tin, “lấy lợi ích dân tộc, quốc gia làm trọng”.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta đã có 2 luật để bảo vệ an toàn thông tin mạng rồi, nay thêm một luật nữa, như 3 cái khóa cùng  khóa một cửa. Vậy thì phải xem lại các khóa đã có đã đảm bảo chưa, nếu chưa thì tại sao không gia cố mà lại phải kèm theo một khóa nữa, phức tạp, cồng kềnh hơn”. 

ĐB Kim Thúy, cùng nhiều ĐB khác như ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Hà Nội) bày tỏ phân vân về yêu cầu buộc doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông internet cho người dùng ở Việt Nam phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam. Theo các ĐB, quy định như vậy là mâu thuẫn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

Theo SGGP



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE