You are here

Nhìn thẳng - Nói thật: Thổi phồng công dụng, quảng cáo trá hình

Một trong những nội dung quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu ra là: “Khi tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường”.

Tuy nhiên, quy tắc này có lúc bị một số “người của công chúng” xem nhẹ, coi thường, bỏ qua, nên họ tùy tiện quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh quá lố, thậm chí quảng cáo thổi phồng, khác xa sự thật, gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội. 

Khác với chương trình quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, những nội dung đăng tải trên mạng từ tài khoản của người nổi tiếng không “tự nhận diện” là các chương trình quảng cáo. Chúng được trình bày dưới dạng chia sẻ các trải nghiệm của cá nhân hay đánh giá (review) về sản phẩm, khiến đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn than phiền: “Tôi thấy văn nghệ sĩ yếu đuối lắm, ai cũng bị bệnh cả, đi quảng cáo bán thuốc suốt ngày, đau lưng, đau gối, đau đầu, cả yếu sinh lý nữa”. Đó thực chất là quảng cáo trá hình!

Quảng cáo thông qua người dẫn dắt dư luận chủ chốt (KOL), trong đó phần lớn là người nổi tiếng (celebrity), một mắt xích trong các chiến dịch tiếp thị (marketing) của các nhãn hàng từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến. Theo một nghiên cứu khoa học, có đến 60% khách hàng quyết định mua sản phẩm nào đó sau khi xem các video, livestream hay nội dung quảng cáo của người nổi tiếng. Điều đó lý giải vì sao phương thức tiếp cận khách hàng này lên ngôi thời gian gần đây, kể cả ở Việt Nam.

Với sức hút, sức ảnh hưởng và uy tín của người nổi tiếng, công chúng dễ dàng tin tưởng và chọn mua sản phẩm theo gợi ý. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện nhiều biến tướng của hình thức quảng cáo này. Một số nghệ sĩ phải lên tiếng xin lỗi công chúng vì quảng cáo sai sự thật về sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Thậm chí có những nghệ sĩ quảng cáo cho một dạng tiền ảo bất hợp pháp hay các sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng, sau khi dư luận lên án chỉ ẩn bài viết mà không hề giải thích hay đính chính. Với lượng người theo dõi khủng, cộng thêm sức ảnh hưởng của các nghệ sĩ, đây thực sự là hiện tượng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lẫn quyền lợi, hành vi tiêu dùng của khách hàng.

Có thể hiểu nguyên nhân dẫn đến những sự việc trên là bởi các nghệ sĩ không tìm hiểu kỹ về sản phẩm, chỉ quảng cáo dựa trên yêu cầu của các nhãn hàng, doanh nghiệp để nhận được khoản thù lao mong muốn. Điều này cũng gây hại không nhỏ đến hình ảnh và uy tín của cá nhân người nổi tiếng cũng như hình ảnh nghệ sĩ: Sẵn sàng kiếm tiền bằng những quảng cáo trá hình lừa mị công chúng. Chưa kể, về phương diện pháp luật, những hành vi này cũng vi phạm Luật Quảng cáo năm 2012 tại Điều 8: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn” là hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.

Để khắc phục hiện tượng này, về phía người nổi tiếng chỉ nên nhận quảng cáo khi thực sự hiểu rõ hay có trải nghiệm về sản phẩm. Điều này không chỉ bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, giúp tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu mà còn duy trì được sức ảnh hưởng của họ đúng như tên gọi của hình thức tiếp thị này (influencer). Phía cầu nối giữa người nổi tiếng và các nhãn hàng cũng cần lưu ý yếu tố này khi “chọn mặt gửi vàng”.

Về phía quản lý nhà nước, rất cần thiết luật hóa các hình thức quảng cáo trên internet, trong đó có quảng cáo trên các trang mạng xã hội của người nổi tiếng bằng việc bổ sung quy định vào Luật Quảng cáo. Hiện Trung Quốc cũng đang xem xét dự luật về quản lý quảng cáo trên internet, trong đó yêu cầu đóng dấu xác định những hình thức livestream, chia sẻ trải nghiệm hay đánh giá về sản phẩm chính là quảng cáo. Bằng hình thức này, sức ảnh hưởng của các chương trình hay đăng tải này sẽ giảm một cách rõ rệt, đồng thời áp dụng được tất cả các điều khoản của Luật Quảng cáo.

 QUỲNH NGA



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ PHÁT SÓNG

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE