You are here

Ngăn chặn các hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dữ liệu kết nối liên thông về bảo hiểm thất nghiệp qua trục tích hợp quốc gia, hướng tới quản lý và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc được chặt chẽ, nhanh gọn, chính xác.

Bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành “phao cứu sinh” giúp người lao động vượt qua dịch Covid-19

Trải qua hơn 10 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm, giúp họ và gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhằm trục lợi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nhiều lao động mặc dù đã có việc làm vẫn không khai báo, thậm chí mượn giấy tờ của người thân để ký hợp đồng lao động.

Đã có việc làm vẫn hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2020, Bảo hiểm xã hội đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho gần 475.000 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2019). Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là “phao cứu sinh” cho người lao động, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì được xem là “phao cứu sinh” nên không ít người lao động cũng như đơn vị sử dụng lao động lạm dụng, thậm chí trục lợi chính sách này.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh, mặc dù đã có nhiều biện pháp trong công tác quản lý bảo hiểm xã hội nhưng có không ít trường hợp lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi quỹ, gây thất thoát nguồn quỹ và tạo sự mất công bằng trong thụ hưởng. Như tại Đồng Tháp, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh này cho hay, trong năm 2019, có hơn 10.300 lao động đến trung tâm đăng ký hồ sơ để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Qua kiểm tra, rà soát, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện 220 lao động nhận chế độ trợ cấp thất nghiệp sai quy định với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. 

Để ngăn chặn các hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp nói riêng, bảo hiểm xã hội nói chung, Điều 214, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ hành vi gian lận tiền bảo hiểm xã hội sẽ bị truy tố hình sự với mức án cao nhất là 10 năm tù.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định, trường hợp người lao động đã có việc làm mới sẽ phải chấm dứt ngay việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại sẽ được bảo lưu. Tuy nhiên, nhiều người lao động vừa có việc làm mới, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không tự động khai báo. Đây cũng là một trong những trường hợp phổ biến nhất trong trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp.  

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động nhận lao động vào làm việc nhưng trong quá trình thử việc không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Thậm chí, người lao động mượn giấy tờ của người thân đi làm để trốn đóng bảo hiểm xã hội mà vẫn hưởng lợi chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Hiện tượng thu gom, mua bán sổ để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại các địa bàn Bình Dương, TP.HCM… cũng là một hành vi trục lợi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Bình Thuận, trong 5 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với bảo hiểm xã hội tỉnh đã phát hiện và hủy Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của 44 trường hợp vì đã có việc làm mới nhưng vẫn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chỉ ra nguyên nhân của sự việc trên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Thuận cho hay, do Trung tâm Dịch vụ việc làm chưa có công cụ hỗ trợ để kiểm tra người lao động đã có việc làm mới hay chưa mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực của người lao động. Những trường hợp gian lận chỉ được phát hiện khi người lao động có tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở nơi làm việc mới và khi phát hiện được thì rất nhiều trường hợp đã hưởng được vài tháng trợ cấp thất nghiệp.

Áp dụng biện pháp mạnh để ngăn trục lợi

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội) Vũ Thị Thanh Liễu, một trong những nguyên nhân khiến trục lợi bảo hiểm thất nghiệp ngày một gia tăng chính là thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay còn tương đối đơn giản. Đối với lao động nếu có đủ các loại giấy tờ gồm Sổ bảo hiểm xã hội, Quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc; Chứng minh nhân dân là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp  là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Song quan trọng hơn vẫn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức về bảo hiểm thất nghiệp của một số người lao động và người sử dụng lao động còn chưa cao. Người lao động khai báo hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu quan tâm đến số tiền trợ cấp, số người có nhu cầu hỗ trợ học nghề còn thấp. 

Riêng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, các đơn vị sử dụng lao động chưa đăng ký hưởng. Trong khi đó, hiện còn thiếu công cụ để quản lý nên khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động. Theo các chuyên gia về chính sách lao động - việc làm, dù Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hiện đang kết dư lớn, nhưng nếu không có những biện pháp mạnh tay để xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi, thì nguy cơ mất cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ xảy ra.

Để ngăn chặn các hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp nói riêng, bảo hiểm xã hội nói chung, Điều 214, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ hành vi gian lận tiền bảo hiểm xã hội sẽ bị truy tố hình sự với mức án cao nhất là 10 năm tù.

Về phía cơ quan quản lý, để kịp thời phát hiện và giải quyết được tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dữ liệu kết nối liên thông về bảo hiểm thất nghiệp chia sẻ qua trục tích hợp quốc gia, hướng tới việc quản lý cũng như giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong toàn quốc ngày càng chặt chẽ, nhanh, gọn, chính xác. Tuy nhiên, để tránh các hành vi lạm dụng, trục lợi từ việc tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, các cơ quan liên quan cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý trong thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp từ quỹ hiện có.

  

“Mặc dù đã có nhiều biện pháp trong công tác quản lý bảo hiểm xã hội nhưng có không ít trường hợp lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi quỹ, gây thất thoát nguồn quỹ và tạo sự mất công bằng trong thụ hưởng”.

Ông Đào Việt Ánh (Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

 

“Một trong những nguyên nhân khiến trục lợi bảo hiểm thất nghiệp ngày một gia tăng chính là thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay còn tương đối đơn giản. Đối với lao động nếu có đủ các loại giấy tờ gồm Sổ bảo hiểm xã hội, Quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc; Chứng minh nhân dân là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

 Vũ Thị Thanh Liễu (Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội) 

Theo ANTĐ



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE