You are here
Ông Donald Trump sẽ lấy gì thay thế TPP?
Tổng thống Donald Trump đang thực sự hiện thực hóa ý tưởng sẽ ký kết FTA với càng nhiều quốc gia trong số 11 nước thành viên TPP càng tốt sau khi ký sắc lệnh bãi bỏ thỏa thuận thương mại đa phương này. Đó có thể là một giải pháp có lợi về thương mại cho Mỹ, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ.
Bãi bỏ TPP, ông D.Trump sẽ chọn cái gì để thay thế?
Cuộc gặp mặt chính thức đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với tân Tổng thống Mỹ mới nhậm chức Donald Trump vào đầu tháng 2.2017 vừa qua có vẻ như đã mở ra lời giải đáp cho viễn cảnh thương mại giữa hai bờ Thái Bình Dương sau khi TPP chính thức bị bãi bỏ: TPP sẽ được thay thế bởi các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) giữa Mỹ và các quốc gia còn lại.
Việc nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP là Mỹ và Nhật lựa chọn ký kết hiệp định thương mại tự do song phương đồng nghĩa với việc một thỏa thuận thương mại đa phương như TPP sẽ gần như không thể trở thành hiện thực, ít nhất là trong tương lai gần. Nó cũng cho thấy ông Donald Trump đang thực sự hiện thực hóa ý tưởng sẽ ký kết FTA với càng nhiều quốc gia trong số 11 nước thành viên TPP càng tốt sau khi chính thức ký sắc lệnh bãi bỏ thỏa thuận thương mại đa phương này. Đó có thể là một giải pháp có lợi về thương mại cho Mỹ, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ.
Một trong những điểm nhận được sự chú ý nhất trong bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp chính thức đầu tháng 2 vừa qua, là việc cả hai nhà lãnh đạo đều đề cập đến khả năng thiết lập một thỏa thuận thương mại song phương giữa hai nước. Nếu điều này trở thành sự thực, đây có thể xem như câu trả lời của ông Trump cho bài toán lấy gì để thay thế cho TPP sau khi thỏa thuận thương mại này bị bãi bỏ: sau khi ký FTA với Nhật Bản, Mỹ sẽ ký các hiệp định tương tự với các nước còn lại trong TPP (trừ Úc và Singapore vốn đã ký kết FTA với Mỹ). Dù không thể sánh được với TPP về quy mô thương mại và tầm ảnh hưởng nhiều mặt, thì việc ký kết các hiệp định thương mại song phương cũng có thể xem là sự bù đắp nhất định những tổn thất về kinh tế-thương mại cũng như chính trị mà Mỹ phải gánh chịu sau khi TPP sụp đổ.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, phương án này của ông Donald Trump đang ẩn chứa rất nhiều nguy cơ. Ông Mark Michelson, Chủ tịch Diễn đàn CEO châu Á có trụ sở tại Hồng Kông, một tổ chức gồm khoảng 300 nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế, cho biết: “Chỉ những ai tham gia vào quá trình đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương mới hiểu hết những khó khăn lớn của nó. Thỏa thuận đa phương cũng có những khó khăn riêng, nhưng nếu chứng minh được những lợi ích rõ ràng thì sẽ có những thành viên khác đăng ký xin gia nhập, và đó mới là thứ có giá trị lớn nhất”.
Theo thống kê, để hoàn tất một thỏa thuận thương mại song phương thì thời gian phải bỏ ra cũng không chênh lệch nhiều với một thỏa thuận đa phương, vì thỏa thuận song phương thường rắc rối và phức tạp hơn so với việc các bên thường chấp nhận một mức chuẩn chung tương đối trong thỏa thuận đa phương. Ông Carlos Kuriyama, Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Peru trong FTA giữa nước này và Trung Quốc vào năm 2009, cho biết: “Để thực hiện được một cuộc đàm phán song phương thì phải có sự hiểu biết lẫn nhau từ cả hai bên, gồm thiện chí và cùng chung niềm tin rằng cuộc đàm phán mang lại lợi ích cho cả hai. Nếu không có điều đó, thì đừng mơ có thể đàm phán”.
Nếu những lời nói này là sự thật, thì kỳ vọng thiết lập được các FTA thay thế cho TPP đang trở nên rất xa vời, khi mà chính phủ mới của Mỹ đang có thái độ thù địch và đầy nghi ngờ, thậm chí cả với các hiệp định song phương. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump ngoài việc công kích các hiệp định đa phương như TPP hay NAFTA (hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) thì cũng đồng thời đưa ra những bình luận đầy thù địch đối với các hiệp định thương mại song phương, mà điển hình là FTA với Hàn Quốc có hiệu lực vào năm 2012. Ông Trump gọi FTA mà Mỹ ký kết với Hàn Quốc là sát thủ đã tước đoạt việc làm của người lao động Mỹ và khiến cho thâm hụt thương mại của nước này với Hàn Quốc tăng lên rất nhanh. Dù ở thời điểm hiện tại FTA với Hàn Quốc vẫn chưa nằm trong danh sách các hiệp định phải đàm phán lại của chính phủ Mỹ như NAFTA, thì cũng không có gì đảm bảo hiệp định này sẽ được yên ổn. Mới đây Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc phải lên kế hoạch giải thích với Mỹ những lợi ích nước này nhận được từ FTA với Hàn Quốc.
Đang có nhiều yếu tố bất lợi đối với mục tiêu ký kết các hiệp định song phương giữa Mỹ và các nước còn lại trong TPP. Trước hết là đến từ chính sách “nước Mỹ trước hết” (America First) của Tổng thống Donald Trump: Mỹ chắc chắn sẽ đòi hỏi các nước ký kết phải nhượng bộ lợi ích nhiều hơn trong đàm phán – một điều sẽ khiến cuộc đàm phán khó khăn và phức tạp hơn. Tiếp đó là vấn đề thời gian: số lượng các FTA kỳ vọng được ký kết thay thế cho TPP là quá nhiều, và Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ tiến hành đàm phán lần lượt khi ông Trump đã tuyên bố sau khi ký sắc lệnh hủy bỏ tham gia TPP rằng: “Chúng ta sẽ có rất nhiều các thỏa thuận thương mại trong tương lai, nhưng sẽ được tiến hành lần lượt từng cái một”. Ngoài ra, việc tiến hành đàm phán FTA hiện cũng bị trì hoãn, khi hai vị trí giữ vai trò quyết định là Bộ trưởng Thương mại và Đại diện Thương mại của Mỹ hiện vẫn chưa được chính thức chỉ định sẽ là ai.
Điều này đang là bất lợi cho Mỹ, khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc đứng ra thúc đẩy đang sắp bước vào những vòng đàm phán quyết định. Nếu RCEP có hiệu lực trước thì dòng chảy thương mại ở bờ Tây Thái Bình Dương bao gồm các nước ASEAN cùng với Úc và New Zealand sẽ chảy về phía Trung Quốc thay vì về phía Mỹ. Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, gần như chắc chắn RCEP sẽ được đàm phán xong trước khi Mỹ ký kết FTA với các nước thành viên TPP, nhất là khi hầu hết các nước ASEAN và Nhật Bản đều muốn thúc đẩy thỏa thuận thương mại này để thay thế cho những tổn thất sau khi TPP bị bãi bỏ.
Theo Một Thế giới.Vn