You are here

Tìm giải pháp tăng tốc chuyển đổi số và liên thông thư viện

Sáng 23.5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số và liên thông thư viện”.

Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số và liên thông, liên kết, hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin
ở các thư viện trên cả nước

Các chuyên gia, nhà quản lý ngành thư viện đến từ 63 tỉnh, thành phố đã tập trung bàn luận nhiều nội dung, trong đó nhấn mạnh: Chuyển đổi số và liên thông, liên kết, hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin thư viện ở nước ta là vấn đề lớn.

Gần đây, ngành thư viện đã có những bước đi đầu tiên và đạt được kết quả trong chuyển đổi số và liên thông thư viện. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đạt mục tiêu đề ra theo “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022 thì còn nhiều khó khăn.

Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.

70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa. 70% tài liệu nội sinh, công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học thu thập và quản lý được số hóa...

Công ty CP Công nghệ Thành An giới thiệu các công nghệ mới nhất trong quản lý cơ sở dữ liệu thư viện - Ảnh: H.Sen

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã khẳng định công nghệ số có ý nghĩa, vai trò quyết định trong hiệu quả hoạt động và sự phát triển của ngành thư viện hiện tại và trong thời gian tới. Đây tiếp tục là căn cứ pháp lý quan trọng, cụ thể để định hướng tổ chức hoạt động ngành thư viện, đồng thời triển khai nhiệm vụ 10 năm tới với mục tiêu giúp ngành thư viện Việt Nam tiếp tục phát triển đồng bộ với các ngành, lĩnh vực trong chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.

Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Phạm Quốc Hùng, Chương trình cũng là cơ hội lớn để ngành thư viện Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng tốc hiện đại hóa thư viện, tạo sức bật cho giai đoạn mới trong bối cảnh mới với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đồng thời là cơ hội để các thư viện Việt Nam đẩy mạnh liên kết, chia sẻ, tạo lập và dùng chung sản phẩm và dịch vụ tạo cộng đồng thư viện lớn mạnh cùng phát triển.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng đánh giá thực trạng chuyển đổi số và liên thông thư viện tại các đơn vị về cơ chế chính sách, công tác tham mưu đề xuất xây dựng kế hoạch, đề án, định hướng…; xác định khó khăn, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Nhiều tham luận làm rõ hơn nguồn lực thư viện (cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, kinh phí, đội ngũ người làm công tác thư viện…) phục vụ chuyển đổi số và liên thông thư viện, từ đó đề xuất phương hướng, xác định lộ trình triển khai và mục tiêu thực hiện. Nhiều mô hình, giải pháp về chuyển đổi số và liên thông thư viện phù hợp với các loại hình thư viện, kinh nghiệm trong tham mưu xây dựng các kế hoạch, đề án về chuyển đổi số và liên thông thư viện cũng được các địa biểu chia sẻ.

H.Sen



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE