You are here

Sao chổi SW3 có thể tạo ra mưa sao băng tuyệt đẹp vào cuối tháng 5

Mưa sao băng Tau Herculid có thể xuất hiện vào đêm 30-31/5. Hình minh họa về một trận mưa sao băng của Olga Beliaeva/Getty Images.

Các nhà thiên văn dự đoán, sẽ có trận mưa sao băng tuyệt đẹp mang tên Tau Herculids bùng phát từ sao chổi bị vỡ SW3 vào đêm 30 và 31/5 tới.

Tau Herculids là một trận mưa sao băng có nguồn gốc từ ngôi sao Tau Herculis. Sao chổi mẹ của Tau Herculids là Schwassmann-Wachmann 3, hay còn gọi là SW3.

Các nhà thiên văn tìm thấy sao chổi này vào năm 1930. Nó quay quanh mặt trời 5,4 năm một lần. Bản chất nó không phải là một sao chổi sáng. Nhưng đó là một sao chổi đặc biệt thú vị. Vào năm 1995, các nhà thiên văn đã theo dõi khi sao chổi này bắt đầu bị đứt gãy và ngày càng có nhiều mảnh vỡ rải rác trên quỹ đạo của nó.

Đó là lý do tại sao, theo một số tính toán gần đây, trận mưa sao băng Tau Herculid vào tháng 5 này có thể là một màn trình diễn ấn tượng, có lẽ được xếp hạng với những màn sao băng đẹp nhất hàng năm.

Ông Bill Cooke, quản lý Văn phòng Môi trường thiên thạch của NASA cho biết, đây sẽ là một sự kiện lớn hoặc là sẽ không có gì. Nếu các mảnh vỡ từ SW3 di chuyển với tốc độ hơn 354 km/giờ khi nó tách khỏi sao chổi, chúng ta có thể thấy một trận mưa sao băng tuyệt đẹp. Nếu các mảnh vỡ có tốc độ phóng chậm hơn, thì sẽ không nhìn thấy gì từ Trái đất và sẽ không có thiên thạch nào từ sao chổi này.

Trên thực tế, từ năm 1935 đến năm 1974, sao chổi SW3 đã đến và đi khỏi Trái đất 8 lần mà không bị phát hiện. Nó đã không được nhìn thấy một lần nữa cho đến tháng 3/1979. Lần trở lại tiếp theo của sao chổi này vào tháng 1/1985 đã bị bỏ lỡ, nhưng nó đã xuất hiện trở lại vào đầu năm 1990.

Các nhà thiên văn học dự đoán sao chổi SW3 sẽ thực hiện một lần trở lại bất thường nữa vào mùa thu năm 1995. Nhưng vào đầu tháng 10/1995, Cục Điện báo Thiên văn Trung ương Mỹ đột nhiên bắt đầu nhận được "nhiều báo cáo từ các nhà quan sát trên toàn thế giới về những khám phá độc lập" về một sao chổi nhìn thấy bằng mắt thường, thấp chạng vạng tối ở phía tây với một đuôi bụi dài 1 độ. Nhưng đây không phải là một sao chổi mới, mà nó là SW3!

Sao chổi SW3 vẫn khá sáng trong chuyến thăm tiếp theo vào mùa thu năm 2000, cho thấy hai trong số các mảnh vỡ được phát hiện vào năm 1995 đã quay trở lại, cùng với một mảnh mới, có thể bị vỡ trong lần trở lại năm 1995.

Sao chổi SW3 bị vỡ vào năm 2006. Các vật thể giống như ngọn lửa là các mảnh vỡ và đuôi của chúng. Vệt sao chổi đầy bụi là đường cầu nối giữa các mảnh vỡ. Hình ảnh qua Kính viễn vọng Không gian Spitzer của NASA. 

Vào mùa xuân năm 2006, sao chổi SW3 đã xuất hiện trở lại, ban đầu cho thấy ít nhất 8 tàn tích, và một số mảnh đã tạo thành các mảnh phụ nhỏ hơn. 

Vào ngày 18/4/2006,  Kính viễn vọng Không gian Hubble đã ghi lại hàng chục mảnh vỡ. Từ ngày 4 đến ngày 6/5/2006, đến lượt Kính viễn vọng Không gian Spitzer chụp ảnh sao chổi; bằng cách sử dụng Máy ảnh mảng hồng ngoại (IRAC), nó có thể quan sát 45 trong số 58 khối của sao chổi.

Tổng cộng, SW3 cuối cùng đã vỡ thành hơn 68 mảnh vỡ và lần xuất hiện gần đây nhất vào tháng 3/2017. SW3 cho thấy dấu hiệu rằng nó đang tiếp tục vỡ ra và tạo ra những mảnh mới sau mỗi lần quay trở lại bên trong hệ mặt trời. 

LÊ LÂM (Theo Space, Universetoday, Earthsky)



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE