You are here

Lo ngại ô nhiễm vì nhiệt điện

Đến nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có nhiều nhà máy nhiệt điện (chạy bằng than) đi vào hoạt động. 

Lợi ích của những nhà máy này là rất lớn, khi chúng cung ứng nguồn điện đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt toàn vùng. Tuy nhiên, tác động môi trường từ nhà máy nhiệt điện không chỉ khiến nhiều chuyên gia và người dân quan ngại, mà chính lãnh đạo địa phương cũng thấy bất an.

Tác động đến môi trường

Theo thông tin từ chính quyền địa phương và người dân, thời gian qua, các tổ máy tại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải đã gây ra một số vấn đề về môi trường khiến người dân xung quanh phản ứng và nhiều lần kiến nghị với đại biểu Quốc hội qua các buổi tiếp xúc cử tri. Đặc biệt, vào đầu năm 2016, cánh đồng muối ở ấp Cồn Cù (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải), cách cụm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải khoảng 3 km đã bị nhiễm bụi đen, nghi do bụi của nhà máy điện. Chính quyền địa phương kiểm tra, xác nhận có tình trạng muối nhiễm bụi đen gây thiệt hại.

Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải - cho biết: Vụ việc xảy ra chưa đến mức độ nghiêm trọng vì đơn vị có liên quan đã khắc phục kịp thời. Nhưng hiện nay, bà con cứ canh cánh nỗi lo không biết tình trạng này có còn tái diễn gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của họ hay không.

Còn ông Đào Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Dân Thành - chia sẻ thêm: “Đã không ít lần xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí tại địa phương với lượng lớn khói bụi thải từ nhà máy nhiệt điện. Những lần như vậy, xã phải kết hợp cùng công ty đến giải quyết khiếu nại của người dân. Hiện nay, vấn đề môi trường đang được người dân quan tâm và lo ngại…”.

Trung tâm điện lực Duyên Hải nằm trên địa bàn thị xã Duyên Hải (Trà Vinh), được quy hoạch tổng thể với 4 nhà máy. Trong đó, nhà máy 1 đã nhận bàn giao và vận hành thương mại 2 tổ máy từ tháng 1/2016. Riêng nhà máy 3 đã đốt dầu lần đầu để thử nghiệm và dự kiến năm 2017 sẽ tiếp nhận vận hành thương mại nhà máy. Điều đáng quan tâm là 2 tổ máy của nhà máy 1 đã vận hành từ tháng 1/2016 nhưng đến nay, công ty vẫn chưa có báo cáo hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường.

Mỗi năm nhà máy xả ra khoảng 1,6 triệu tấn xỉ, sau thời gian hoạt động, bãi chứa xỉ (39 ha) đã gần đầy; trong khi số xỉ than này chưa biết sẽ xử lý ra sao? Nhà máy đang thực hiện việc xả nước thải ra biển bằng đường ống ngầm. Bên cạnh đó, hiện tại nhà máy đang thực hiện việc thải xỉ khô chứ không phải xả xỉ ướt như báo cáo ban đầu, kéo theo đó là những nỗi lo về môi trường!

Theo thống kê, hoạt động của nhà máy để lại một lượng phát thải khổng lồ khi mỗi ngày sử dụng hơn 12.000 tấn than; lượng tro, xỉ than thải ra hơn 4.500 tấn. Ông Đồng Văn Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - lo ngại: “Ngay cả địa phương cũng không lường được số lượng xả thải quá lớn của nhà máy này. Với số lượng như vậy, trong năm tới bãi thải sẽ quá tải; trong khi số xỉ than này hiện nay vẫn chưa biết xử lý ra sao.

Ảnh hưởng tiêu cực đến biến đổi khí hậu

Trao đổi về những vấn đề trên, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Ban quản lí Dự án nhiệt điện 3 - cho biết: Việc xả thải bằng đường ống ngầm hay nổi, luật không có quy định, nhà máy đảm bảo nước thải ra biển luôn đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định. Còn việc đưa vào vận hành các tổ máy khi chưa có báo cáo hoàn chỉnh về các công trình bảo vệ môi trường là do “đặc thù” của nhà máy.

Riêng vấn đề xỉ than, ông Dũng cho biết sẽ nghiên cứu để có hướng xử lý phù hợp. Ban đầu nhà máy dự kiến thực hiện công nghệ xả xỉ ướt, nhưng sau đó phát sinh một số bất cập. Với phương pháp này, xỉ thải ra không thể tận dụng tái chế các nguyên liệu phụ gia xi măng, phụ gia bê tông, gạch không nung…

Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT - đề xuất: Nếu nói nhà máy có đặc thù thì công ty phải chủ động có báo cáo với bộ cũng như ngành chức năng. Ngoài ra, luật không quy định việc xả thải bằng đường ống ngầm hay nổi; nhưng quy định rất rõ là điểm xả thải phải đảm bảo thuận lợi cho việc theo dõi, quan trắc và giám sát…

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải được phê duyệt vào tháng 9/2009. Trong tháng 3 năm nay, qua kiểm tra đã phát hiện dự án còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Sau đó đã yêu cầu nhà máy phải khắc phục triệt để. Qua đợt kiểm tra lại của đoàn liên ngành vào tháng 9 vừa qua, ghi nhận phía nhà máy đã tuân thủ và khắc phục khá nghiêm túc những kết luận của đoàn trước đó.

Theo quy hoạch điện phê duyệt, đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất khoảng 18.270 MW (chiếm 32,38% tổng công suất điện than cả nước); gấp khoảng 40 lần miền Đông Nam Bộ, lớn hơn cả vùng Đông Bắc Bộ cộng với đồng bằng sông Hồng.

Các nhà máy này được quy hoạch xây dựng ở Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP Cần Thơ... Trong đó, 2 trung tâm sản xuất điện than lớn nhất ĐBSCL là Duyên Hải (Trà Vinh) và Long Phú (Sóc Trăng). Dự kiến, đến năm 2030 cả nước sẽ có tất cả 51 nhà máy điện than...

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ – chia sẻ quan điểm: Vùng ĐBSCL không có nguồn nguyên liệu than cho các nhà máy. Tương lai, các nhà máy nhiệt điện than này sẽ phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ ĐBSCL không đảm bảo an ninh năng lượng do phụ thuộc nguồn cung nhiên liệu và thiết bị từ nước ngoài. Quan trọng hơn, việc phát thải khí nhà kính của các nhà máy điện là rất lớn, sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến biến đổi khí hậu…

Theo Giáodụcthoidai



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE