You are here

ChatGPT và cuộc cạnh tranh trí tuệ nhân tạo giữa Microsoft - Google

Thời gian qua, công cụ ChatGPT đã trở thành tâm điểm chú ý của người dùng trên mạng xã hội, vì những câu trả lời được viết tốt và chính xác một cách đáng ngạc nhiên cho những câu hỏi đơn giản.

Đối thủ của ChatGPT ra mắt

Nhằm cạnh tranh với Microsoft, tập đoàn công nghệ Google đã trình làng công cụ chatbot mới mang tên Bard. Động thái của Google được xem như đòn đáp trả Microsoft trong cuộc cạnh tranh nhằm giành vị trí dẫn đầu cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của Google và công ty mẹ Alphabet cho biết, công cụ Bard đã bắt đầu được sử dụng thử nghiệm và dự kiến cung cấp dịch vụ này cho công chúng trong vài tuần tới. 

Giống như ứng dụng chatbot ChatGPT, Google đã xây dựng Brad dựa trên một mô hình ngôn ngữ quy mô lớn, sử dụng kho dữ liệu trực tuyến khổng lồ để đưa ra những câu trả lời hấp dẫn cho người sử dụng. 

“Bard đã kết hợp nguồn kiến thức của thế giới với sức mạnh, trí thông minh và sự sáng tạo của các mô hình ngôn ngữ của chúng tôi”, ông Pichai giới thiệu. Giám đốc Pichai cũng cho biết thêm các công cụ hỗ trợ AI sẽ sớm được triển khai trên công cụ tìm kiếm của Google.

ChatGPT của OpenAI ghi nhận sự tăng trưởng người dùng mạnh mẽ kể từ khi ra mắt. Ảnh: Getty.

Sự trỗi dậy của ChatGPT, một chatbot của công ty OpenAI do Microsoft hậu thuẫn, có thể đảo lộn cách người dùng tìm kiếm thông tin. ChatGPT cũng là một trong những thách thức lớn nhất mà Google phải đối mặt.

Tuy nhiên, vừa ra mắt, giá trị cổ phiếu của Google sụt giảm mạnh sau khi sản phẩm chatbot - Bard, chia sẻ thông tin không chính xác trong một video tự quảng cáo đăng trên Twitter. Cụ thể, trong một video quảng cáo do Google đăng trên Twitter một ngày sau đó, Bard được hỏi nên nói thế nào với một đứa trẻ 9 tuổi về những khám phá của kính viễn vọng không gian James Webb.

Bard trả lời rằng: Đây là kính viễn vọng đầu tiên ghi lại hình ảnh một hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời của Trái Đất. Nhiều người theo dõi đoạn quảng cáo này đã ngay lập tức phản hồi rằng đây là một câu trả lời sai, do Kính viễn vọng cực lớn của châu Âu mới là công cụ làm được điều này đầu tiên.

"Lỗ hổng kiến thức" của Bard đã khiến giá cổ phiếu của Google giảm hơn 7% vào cuối ngày 8-2, trong khi các nhà đầu tư cũng bị "sốc" trước những diễn biến mới nhất này. Trước khi sự cố này xảy ra, Phó chủ tịch công ty Google Prabhakar Raghavan khẳng định rằng, Bard đang được "những người dùng đáng tin cậy thử nghiệm" trước khi chính thức ra mắt - dự kiến trong vài tuần tới.

Giới phân tích cho rằng Google quá nóng vội giới thiệu Bard, do chịu sức ép cạnh tranh từ Microsoft, nhưng ông Raghavan bác bỏ điều này. Ông Raghavan khẳng định: "Đây là một hành trình kéo dài nhiều năm. Không một sự kiện đơn lẻ nào có thể làm thay đổi đáng kể tiến trình đã được Google lên kế hoạch".

Ông Gil Luria, nhà phân tích phần mềm cao cấp tại công ty tư vấn D.A. Davidson chia sẻ, mặc dù Google đã dẫn đầu về đổi mới AI trong vài năm qua, dường như họ đã “ngủ quên” trong việc triển khai công nghệ này vào sản phẩm tìm kiếm hàng đầu của mình. Theo chuyên gia này, Google đã cố gắng trong để bắt kịp xu hướng. Chính điều đó khiến buổi thuyết trình bị vội vàng và gây ra sự lộn xộn đáng xấu hổ khi Google đăng một câu trả lời sai trong bản thử nghiệm của họ.

Hiện nay, ChatGPT nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu. Hàng triệu người đã sử dụng ChatGPT để viết thơ, tư vấn, tạo ứng dụng... Thành công của ChatGPT đã đưa OpenAI vào hàng ngũ quyền lực ở Thung lũng Silicon. ChatGPT đồng thời khiến các nhà đầu tư nôn nóng cố gắng tham gia vào lĩnh vực AI.

Theo thống kê của Công ty phân tích Similar Web, khoảng 13 triệu người dùng đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong tháng 1-2023, nhiều hơn gấp đôi so với mức trong tháng 12-2022. Đến cuối tháng 1-2023, người dùng ChatGPT đã lên tới 100 triệu người. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn.

Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU), ông Thierry Breton cho biết, EU sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của công cụ chatbot nổi tiếng ChatGPT và đảm bảo người dùng ở châu Âu có thể tin tưởng công nghệ AI. Đây là bình luận đầu tiên của một quan chức cấp cao EU đưa ra trong bối cảnh lo ngại về công cụ chatbot ChatGPT do OpenAI phát triển. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của công cụ đàm thoại trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT khiến các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tiềm tàng đối với người lao động trong nhiều ngành nghề khi máy móc đang phát triển thông minh hơn từng ngày.

ChatGPT Plus có mặt tại Việt Nam

Ngày 11-2, Open AI ra thông báo người dùng tại Việt Nam có thể đăng ký mua gói thuê bao trả phí của ChatGPT nhưng khâu thanh toán vẫn bị chặn, đồng nghĩa việc sử dụng chưa khả thi. ChatGPT Plus là gói thuê bao được Open AI giới thiệu từ ngày 2-2 và triển khai tuần tự tại các nước. Với chi phí 20 USD mỗi tháng, người dùng ChatGPT Plus sẽ được ưu tiên truy cập dịch vụ vào giờ cao điểm không bị nghẽn, khả năng phản hồi nhanh hơn và được sử dụng sớm các tính năng mới. 

Phiên bản này ban đầu chỉ hoạt động tại Mỹ, nhưng trong ngày 11-2, khi đăng nhập qua gói miễn phí, người dùng tại Việt Nam nhận được thông báo: "ChatGPT Plus đã có mặt tại Việt Nam". Mức giá đưa ra trong thông báo này vẫn là 20 USD (tương đương khoảng 470.000 đồng) một tháng. 

Hiện không có thống kê chính xác về số người dùng ChatGPT tại Việt Nam, người dùng Việt Nam cũng tìm nhiều cách để trải nghiệm, như đổi địa chỉ IP, thuê số điện thoại nước ngoài hoặc mua bán tài khoản. Tuy nhiên, bản miễn phí thường xuyên bị quá tải, phải đăng nhập nhiều lần mới có thể vào hệ thống. Sau khi ChatGPT Plus chính thức hỗ trợ thị trường Việt Nam, bản miễn phí vẫn được duy trì nhưng hiện người dùng chưa thể tạo tài khoản miễn phí.

Tại buổi tọa đàm "ChatGPT, trí tuệ nhân tạo - lợi ích và thách thức đối với giáo dục", PGS, TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông – Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, giới công nghệ và người làm khoa học đón nhận sản phẩm ChatGPT rất bình tĩnh. Khoa học công nghệ nói chung có quá trình phát triển dài và có những công nghệ mới, đến một thời điểm nào đó đủ "chín" sẽ cho ra đời các sản phẩm. Có lẽ chúng ta coi nó như một thành tựu lần đầu tiên đại chúng được trải nghiệm và thấy được năng lực của trí tuệ nhân tạo không quá xa xôi... Đây đơn giản là một mô hình thuật toán, chỉ được coi là một công cụ chứ chưa có suy luận, sáng tạo như một con người. 

Là một chuyên gia giáo dục, PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Sự xuất hiện của ChatGPT là cơ hội giải phóng cho giáo viên khỏi một số công việc; tập trung thay đổi dạy học từ nội dung sang năng lực; cơ hội để học sinh thúc đẩy việc học theo hướng cá nhân hoá. Việc khuyến khích sử dụng ChatGPT một cách khôn ngoan cũng như hình thành năng lực số, tận dụng công cụ số là một cách để giáo viên, học sinh, sinh viên phát triển bản thân, phục vụ việc học và phát triển nghề nghiệp.

HỒNG QUANG



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE