You are here

Hội thảo khoa học quốc gia "Lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam"

Sáng 25/5, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam". Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7/2022).

Hội thảo được tổ chức tại điểm cầu trung tâm Hội trường Bộ Công an, 44 Yết Kiêu, Hà Nội, truyền hình trực tuyến tới điểm cầu Hội trường Bộ Công an, 258 Nguyễn Trãi, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và 63 điểm cầu hội trường Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với gần 2.000 đại biểu tham dự.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: PGS,TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo. 

Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thượng tướng, PGS,TS Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an; Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an; Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam…

Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, lực lượng Cảnh sát nhân dân có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, là lực lượng vũ trang trọng yếu, nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, văn minh và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34 (ngày 20/7/1962) công bố Pháp lệnh Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh Quy định về chế độ cấp bậc quân hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Kể từ đó, ngày 20/7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam. Đây là mốc son, sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân về mặt tổ chức, lực lượng và pháp lý, để xây dựng và phát triển lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Đồng chí nhấn mạnh, hội thảo khoa học lần này là dịp để nhìn nhận quá trình xây dựng, phát triển, những hy sinh, cống hiến, công lao, thành tích của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đồng thời, là dịp để thảo luận, tư vấn, kiến nghị với Đảng, Nhà nước những nhiệm vụ, giải pháp góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; trở thành lực lượng vũ trang sắc bén, trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu đã tập trung làm rõ vai trò, vị trí và những đóng góp của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam; công tác tham gia xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, chấp hành pháp luật của lực lượng Cảnh sát nhân dân; việc phát huy văn hóa ứng xử, tính nhân văn của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu tham luận. 

Phát biểu ý kiến kết luận hội thảo, Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ, nêu rõ, với tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết, hội thảo đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn; cung cấp các luận cứ khoa học, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, khẳng định bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát nhân dân; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra đối với lực lượng Cảnh sát nhân dân, đồng chí đề nghị, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát nhân dân tiếp tục chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, biện pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng thế trận an ninh nhân dân dân, phát động các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm; kết hợp chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm với các chiến lược, chính sách về xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và đối ngoại của đất nước. 

Đồng chí Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Công an, phát biểu ý kiến kết luận hội thảo.

Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội. 

Mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện có trách nhiệm các cam kết mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về về phòng, chống tội phạm, tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế về tài chính, khoa học, kỹ thuật phục vụ phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm. 

Tăng cường tiềm lực về mọi mặt, nhất là khoa học, công nghệ, xây dựng Cảnh sát nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Hoàn thành mục tiêu xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân vững về chính trị, tư tưởng, đạo đức và giỏi về pháp luật, nghiệp vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân phục vụ, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình. 

LÊ TÚ



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE