You are here

Những phiên chợ Tết nổi tiếng

Những phiên chợ Tết không chỉ là nơi giao thương mà còn mang trong mình nhiều giá trị, nét đẹp văn hóa của người Việt. Một số phiên chợ Tết nổi tiếng là nhân tố góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo của từng địa phương, vùng miền.

Chợ xuân Huổi Cuổi

Chợ xuân Huổi Cuổi là một trong những chợ phiên lớn và nổi tiếng nhất của tỉnh Sơn La, nằm ngay trung tâm huyện Quỳnh Nhai. Chợ họp 5 ngày một lần, nhưng đông vui nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Chợ Huổi Cuổi không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Đến với chợ xuân Huổi Cuổi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu của người Thái, Mông, Dao, Tày... hòa cùng âm thanh sôi động của tiếng khèn, trống, những điệu múa xòe.

Các mặt hàng bày bán tại chợ xuân Huổi Cuổi khá đa dạng, từ nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ đến các đặc sản của địa phương như: Lợn mán, gà đồi, cá suối, rượu nếp nương... Bên cạnh việc gặp gỡ, giao thương, phiên chợ xuân Huổi Cuổi còn là điểm đến cho người dân mua sắm các vật dụng phục vụ việc trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt cá như chài, lưới. Họ tin rằng điều này sẽ mang lại may mắn trong năm mới, với thời tiết thuận lợi, mùa màng tươi tốt.

Chợ hoa Hàng Lược

Chợ hoa Hàng Lược là một chợ truyền thống ở Thủ đô Hà Nội. Được hình thành từ đầu thế kỷ 20, đây được coi là một trong những chợ hoa lâu đời của Hà Nội. Chợ họp mỗi năm một lần, vào những ngày cuối tháng Chạp, dịp giáp Tết Nguyên đán. Chợ hoa Hàng Lược nằm trên phố Hàng Lược, kéo sang một vài phố lân cận như: Hàng Cót, Phùng Hưng, Hàng Mã... thuộc quận Hoàn Kiếm. Chợ có diện tích rộng lớn, với hàng trăm gian hàng, chủ yếu bày bán các loại cây cảnh, đào và quất từ những làng hoa nổi tiếng của Hà Nội. Ngoài ra cũng có thêm một số loại hoa Tết như: Mai, cúc, lay ơn, thược dược... 

 

Sắc xuân ở chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội. Ảnh: THÁI HƯNG 

Nhiều người đến đây không chỉ để mua hoa mà còn để dạo phố, ngắm nhìn, chụp ảnh. Điều này tạo ra một trải nghiệm "đi chơi" thay vì chỉ là "đi mua" hoa, một nét đẹp trong thú chơi cây cảnh của người Hà Nội. Ở đây còn có những quầy hàng đồ cổ, giả cổ độc đáo, từ bình hoa, tượng đồng đến các bức tượng, hình trang trí của các con giáp tượng trưng cho mỗi năm. Với nhiều người Hà Nội, chợ hoa Hàng Lược là nơi họ tìm lại ký ức tuổi thơ khi dạo chơi cùng gia đình những ngày Tết đến, xuân về.

Chợ phiên Gia Lạc

Chợ Gia Lạc (Thừa Thiên Huế) có lịch sử lâu đời, họp vào 3 ngày Tết, với ý nghĩa để mua lộc đầu năm, mua sự may mắn, suôn sẻ. Chợ Gia Lạc không chỉ là biểu tượng văn hóa đặc trưng của xứ Huế mà còn mang đến không khí Tết truyền thống. Mặc dù quy mô không lớn nhưng chợ đa dạng về hàng hóa, từ thức ăn, đồ uống, đồ gia dụng đến đồ chơi dân gian và các đặc sản của Huế.

Những người đến chợ xuân Gia Lạc vào đầu năm không đặt quá nhiều tâm trí vào việc kinh doanh lãi, lỗ. Họ coi đây như một dịp du xuân đầu năm để cầu may mắn. Tên chợ Gia Lạc được chọn cũng vì thế, nó tượng trưng cho không khí vui tươi, hạnh phúc. Tại đây cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc trưng của đất Huế như chơi bài ghế, bài chòi, bài thái, hò giã gạo.

Chợ nổi Long Xuyên

Chợ nổi Long Xuyên (An Giang) nằm trên khu vực sông Hậu, gần trung tâm thành phố Long Xuyên. Ngày thường, chợ nổi đã tấp nập nên ngày Tết, chợ rộn ràng hơn gấp bội. Chợ họp từ mờ sáng. Ngoài những mặt hàng quen thuộc, dịp đầu xuân, bà con ở chợ nổi còn tranh thủ bán thêm các loại bánh mứt, hoa kiểng. Đặc biệt, mỗi chiếc ghe đều được trang hoàng như căn nhà di động, được dán giấy màu, gắn đèn chớp, treo bùa niêu, trưng mai vàng, vạn thọ.

Do không gian mênh mông, lại có tiếng chèo khua, tiếng máy nổ nên người bán ở chợ nổi không thể cất tiếng rao hàng như trên bờ. Thay vào đó, họ sẽ dựng đứng một cây sào dài trên ghe, treo loại hàng hóa mà mình bán lên cây sào đó, gọi là “bẹo hàng”. Người mua nhìn thấy các “cây bẹo” này sẽ biết mà lựa chọn thứ mình cần. Các mặt hàng được bán ở chợ nổi là rau củ, trái cây, nông sản. Chủ ghe lớn thường đi về các miệt quê, thu mua hàng hóa chất đầy ghe rồi neo đậu ở chợ nổi. Các ghe nhỏ hơn vào mỗi sáng sớm sẽ đến chợ, mua lại hàng rồi chở đi bán lẻ. 

Trong mấy ngày Tết, du khách có thể được bà con mời lên ghe hàng, được xem như căn nhà trên sông của họ. Khách sẽ được đãi bánh mứt, trái cây, được mời nhâm nhi vài ly rượu đế, rồi nghe mấy câu vọng cổ để cảm nhận chất tài tử và tinh thần hào sảng của người miền Tây.

CHÍ HÙNG - TIẾN LỘC



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE