You are here

Yếu tố Trung Quốc trên bàn cờ chính trị Bán đảo Triều Tiên

Chỉ cần nhìn vào việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung Quốc tới hai lần để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đủ hiểu vai trò của Trung Quốc như thế nào trên Bán đảo Triều Tiên.

Lo ngại của Trung Quốc 

Tình hình chính trị trên Bán đảo Triều Tiên đang trải qua nhiều thay đổi chóng mặt. Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đang xích lại gần nhau sau hàng chục năm cô lập và chia cắt.

Cam kết sẽ không có kịch bản chiến tranh nữa, Tuyên bố chung Panmunjom lịch sử ra đời sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 hứa hẹn một kỷ nguyên mới thịnh vượng, hòa bình và hòa giải dân tộc.  

Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và nhà lãnh đạo Kim Jong-ung tại Đại Liên. Ảnh: Tân Hoa xã

Kỳ vọng về thay đổi đột phá trên Bán đảo Triều Tiên còn cao hơn khi ngày 12/6 tới tại Singapore, ông Kim Jong-un sẽ hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chào mừng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Trung Quốc đánh giá hội nghị thượng đỉnh là một kết quả tích cực, có lợi cho thúc đẩy quá trình tái hòa giải và hợp tác giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng Triều Tiên và Hàn Quốc là một dân tộc và Trung Quốc muốn đóng vai trò tích cực trong đối thoại, nỗ lực phi hạt nhân hóa và hòa giải chính trị trong tương lai.

Theo tờ Asian Age (Ấn Độ), tuyên bố của Trung Quốc có ngụ ý đề cập tới vai trò lớn của nước này trong việc định hình tương lai của Bán đảo Triều Tiên. Kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ ngày 25/6/1950, vai trò của Trung Quốc luôn là nhân tố quan trọng trong mọi chuyển động tại khu vực này.

Tuyên bố chung Panmunjom chỉ đề cập thoáng qua vai trò của Trung Quốc trong đoạn nói về tích cực theo đuổi các cuộc gặp bốn bên. Điều đó phải chăng có nghĩa là vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bán đảo Triều Tiên suy giảm trong bối cảnh Mỹ xoay trục sang Triều Tiên?

Trên thực tế, Trung Quốc có lý do để lo ngại khi mà “công trạng” tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh liên Triều hoặc là dành cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoặc là Tổng thống Mỹ Trump. Dù vậy, nhiều người vẫn còn tranh cãi về việc có phải Triều Tiên đồng ý tiến hành hội nghị thượng đỉnh liên Triều là do sức ép của Washington.

Trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra, lo ngại lớn nhất của Trung Quốc có thể là ông Trump muốn có thỏa thuận song phương với Triều Tiên và chỉ tiết lộ với Hàn Quốc. Trung Quốc e ngại rằng ba nước Triều Tiên-Hàn Quốc-Mỹ có thể sẽ định hình trật tự tương lai của Bán đảo Triều Tiên.

Binh sĩ Mỹ hiện diện ở Đông Bắc Á nhiều năm qua. Gần đây, Hàn Quốc đã đồng ý để binh sĩ Mỹ ở lại Hàn Quốc và từ chối loại bỏ Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Vai trò quan trọng

Tuy vậy, theo nhận định của Asia Age, vẫn còn quá sớm để nói rằng tiến trình hòa bình liên Triều diễn ra là nhờ ảnh hưởng của Mỹ nhiều hơn là Trung Quốc.

Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều tham vấn với Trung Quốc từ lâu trước khi tiếp cận chính quyền của ông Trump về triển vọng hòa bình và tái hòa giải. Qua hai chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un gần đây, người ta có thể thấy Trung Quốc vẫn có một vai trò quan trọng trên Bán đảo Triều Tiên.

Cho dù quan hệ hai nước có sứt mẻ trong thời gian Triều Tiên liên tục phóng tên lửa những năm gần đây, nhưng mối liên hệ chính trị giữa hai bên vẫn đủ vững mạnh để định hình chính trị của khu vực trong thời điểm tới.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên và sẽ là đối tác kinh tế chủ chốt khi mà tình hình kinh tế ở Triều Tiên trở lại bình thường và được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Trước khi diễn ra thượng đỉnh liên Triều, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhắc lại “bốn nguyên tắc chủ yếu” về quan hệ liên Triều nhân chuyến thăm của ông Moon Jae-in tới Trung Quốc tháng 12/2017: ngăn chặn chiến tranh, phi hạt nhân hóa, thúc đẩy hòa bình và đối thoại, cải thiện quan hệ liên Triều.

Những nguyên tắc này đều được nhắc đến đậm nét trong Tuyên bố chung Panmunjom, cho thấy cách tiếp cận cân bằng với hai miền Triều Tiên và khu vực mà Trung Quốc thể hiện.

Trung Quốc cũng đang tái định hình chính sách và quan điểm của mình ở Bán đảo Triều Tiên.

Cơ sở quan trọng nhất trong chính sách truyền thống của Trung Quốc với Bán đảo Triều Tiên là Hiệp ước Hữu nghị Trung-Triều ký ngày 11/7/1961. Hiệp ước này đã được gia hạn nhiều lần và có hiệu lực tới năm 2021.

Điều II và VI của hiệp ước đảm bảo vai trò của Trung Quốc là nước bảo vệ Triều Tiên, đồng thời đảm bảo vai trò đồng minh chiến lược chủ chốt. Quan trọng nhất vẫn là vai trò nước kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo Asia Age, Triều Tiên sẽ không thực sự tiến tới thỏa thuận quan trọng với cả Hàn Quốc và Mỹ nếu phải phá vỡ thỏa thuận với Trung Quốc. Mặc dù vai trò của Trung Quốc trong Tuyên bố chung Panmunjom có vẻ không quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nhưng những điều cơ bản của tuyên bố lại xác nhận tầm quan trọng lịch sử của Trung Quốc hơn là của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên.

Nếu tiến trình hòa bình sau hội nghị ở Panmunjom tiếp tục, Trung Quốc có thể còn muốn gia hạn hiệp ước với Triều Tiên hoặc chỉnh sửa hiệp ước cho phù hợp với tình hình mới. Trung Quốc có nhiều quân bài trong tay, ví dụ như vai trò thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để gây ảnh hưởng tới tiến trình hòa bình trên bán đảo này, trong đó có vấn đề nhạy cảm nhất là phi hạt nhân hóa.

Cả phi hạt nhân hóa và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên là những chủ đề còn phải tranh luận, trong đó quan điểm của các bên như Trung Quốc và Mỹ vẫn còn khác nhau. Mỹ muốn dỡ bỏ kho hạt nhân Triều Tiên hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược, còn Trung Quốc muốn phi hạt nhân hóa dần dần.

 Quan điểm chung này của Bắc Kinh  và Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa sẽ khiến Trung Quốc tiếp tục giữ vai trò là nhân tố quan trọng không thể thiếu trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo Báo TTXVN



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE