You are here

Biểu tình ở Thái Lan: “Bình mới, rượu cũ”

Những gì từng bắt đầu là hoạt động truyền thông xã hội và các cuộc biểu tình lẻ tẻ phản đối việc giải thể Đảng Tương lai mới (FFP) đối lập ở Thái Lan hiện đã mở rộng thành phong trào sinh viên rộng khắp. Hoạt động này hiện đang diễn ra dưới ô bảo trợ của phong trào có biệt danh là Phong trào thanh niên tự do (FYM).

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 3-2019, đảng FFP đã cực lực vận động bộ phận cử tri trẻ tuổi cấp tiến và đã trở thành một đảng đối lập chính đối với chính phủ liên minh do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha lãnh đạo.

Sau khi đảng FFP bị giải thể hồi tháng 2-2020, Liên đoàn sinh viên Thái Lan cùng các đồng minh đã tổ chức thành công các hoạt động biểu tình chống chính phủ của sinh viên trên khắp khuôn viên các trường ĐH trên toàn quốc cho đến khi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19 hồi cuối tháng 3.

Khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng vào tháng 6, vụ mất tích của nhà hoạt động Wanchalearm Satsaksit - vốn được cho là do bị bắt cóc - đã kích động một làn sóng biểu tình mới.

Các hoạt động biểu tình chống chính phủ hiện nay cho thấy những điểm tương đồng và khác biệt so với các phong trào biểu tình ở Thái Lan trong vòng 20 năm qua.

Những yêu sách của lực lượng biểu tình lần này giống với những yêu sách của các phong trào biểu tình trước đó: họ muốn một chính phủ được bầu một cách hợp pháp, sự bảo vệ lớn hơn đối với các quyền tự do dân sự và một hiến pháp mới mang tính dân chủ và toàn diện hơn.

Sự bất bình đó phản ánh nỗi oán giận ẩn sâu bên trong liên quan đến vấn nạn quyền lực không được kiểm soát của giới tinh hoa Thái Lan, sự tập trung của cải vào một bộ phận dân cư, tình trạng chiếm dụng tài nguyên đằng sau hoạt động tham nhũng tràn lan, nền quản trị tắc trách và một nền văn hóa chuyên chế thâm căn cố đế.

Tuy nhiên, phong trào biểu tình hiện tại đang lấn sang địa hạt mới. Bản yêu sách gồm 10 điểm do Mặt trận thống nhất Thammasat và Demonstraton - một tổ chức sinh viên ở Thái Lan - đưa ra là chưa từng có tiền lệ: họ yêu cầu những cải cách lớn đối với chế độ quân chủ chuyên chế, theo đó gồm cả yêu sách cắt giảm ngân sách dành cho Quốc vương, không có sự can thiệp của hoàng gia vào các vấn đề chính trị và hủy bỏ tội xúc phạm đến quốc vương hoặc chính phủ.

Một khác biệt nữa là cuộc vận động học sinh trung học tham gia phong trào FYM đóng vai trò là lực lượng tham gia và thủ lĩnh tích cực. Thủ lĩnh của một số nhóm biểu tình mà nòng cốt là giới học sinh trung học đã coi các phong trào biểu tình do sinh viên ĐH dẫn dắt là nguồn cảm hứng để họ đấu tranh chống lại một hệ thống giáo dục phân chia cấp bậc cứng nhắc vốn tước đi quyền lực của giới trẻ, một hệ thống giáo dục bất bình đẳng cao độ vốn coi trọng người giàu và một nền văn hóa hà khắc vốn dành ưu ái cho ai biết phục tùng mệnh lệnh và trừng phạt những cá nhân làm theo cách riêng của mình.

Chiến dịch tuyên truyền trên mạng xã hội Twitter do các nhóm biểu tình của học sinh trung học tiến hành cho thấy giới trẻ Thái Lan cảm nhận rằng các bậc phụ huynh và giáo viên không quan tâm đến nguyện vọng của họ và giới tinh hoa cầm quyền coi họ là những đối tượng công dân chưa trưởng thành nên chưa thể định đoạt được gì cho bản thân. Vì vậy, lực lượng biểu tình sinh viên tìm kiếm một quan niệm cấp tiến hơn về bản sắc của người trẻ Thái Lan vốn có thể tạo ra sự đa dạng, dân chủ và công bằng.

Một đặc điểm nổi bật của phong trào FYM là cấu trúc về mặt tổ chức và vai trò then chốt của phong trào này hiện đang được phát huy thông qua mạng xã hội Twitter. Về mặt tổ chức, các cuộc biểu tình của giới trẻ đều ít mang tính cấu trúc, theo tính tự phát và ít liên kết với các đảng phái chính trị so với các phong trào trước đó. Các phong trào và lực lượng tham gia biểu tình gắn kết với nhau chủ yếu thông qua mạng xã hội.

Những nhân vật có tầm ảnh hưởng chủ chốt sau các phong trào trên là những người bình thường, chứ không phải những chính trị gia hoặc những người nổi tiếng. Việc tầng lớp dân thường chèo lái và thúc đẩy những chiến dịch quảng bá thông tin trên mạng về phong trào biểu tình là một chỉ dấu cho thấy phong trào biểu tình vẫn chủ yếu được kết nối với nhau bởi những người dân thuộc cùng tầng lớp chứ không phải bởi những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội.

Trong những năm trở lại đây, vai trò nổi trội của Twitter là một nền tảng chính để huy động phong trào biểu tình được thúc đẩy bởi xu hướng gia tăng sử dụng mạng xã hội của giới trẻ Thái Lan có độ tuổi từ 18-24 trong những năm trở lại đây.

Những người tổ chức các hoạt động biểu tình gần đây với sự tham gia của học sinh trung học đã coi Twitter đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng tầm hiểu biết về chính trị và giúp họ thoát khỏi sự ảnh hưởng về tư tưởng của các bậc phụ huynh theo phong trào “áo vàng” bảo thủ.

Tuy nhiên, thách thức chính phía trước đối với phong trào FYM là mở rộng nền tảng hiện đang hạn hẹp của mình. Hiện phong trào này chủ yếu bao gồm giới trẻ, mà đa phần trong số đó đến từ giai cấp trung lưu thành thị. Cũng có một số dấu hiệu tích cực cho thấy phong trào này đang lớn mạnh để tập hợp những nhóm ủng hộ không phải là thành niên như các nhà hoạt động từng là thành phần ủng hộ phong trào “áo đỏ” hoặc nhóm mang tên Nhân dân Tự do.

Chính phủ Thái Lan đã tìm cách gây sức ép đối với ban quản lý cấp cao các trường học và ĐH để dập tắt các hoạt động biểu tình của học sinh, sinh viên và nhằm vô hiệu hóa các đòi hỏi của họ bằng cách khẳng định rằng họ cần “biết thân biết phận.”

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, những tuyên bố của giới lãnh đạo Thái Lan sẽ không giúp hạ nhiệt bầu không khí biểu tình, mà chỉ khơi mào thêm phong trào trong cả giới sinh viên và những tầng lớp khác trong xã hội nước này.

Theo Pháp luật & Xã hội



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE