You are here
Biết lịch sử để tự hào
“Tôi tiếp xúc với một số bạn trẻ mang dòng máu Việt Nam, có người sinh ra, lớn lên ở ngoại quốc, nhưng đến tuổi nào đó có sự băn khoăn, bứt rứt muốn trở về cội nguồn...” - tác giả Vĩnh Đào chia sẻ lý do ông viết “Thư ngỏ gởi bạn trẻ Việt Nam... muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình”.
Thôi thúc mỗi người tìm về lịch sử
Cuốn sách được ra mắt tại Việt Nam tháng 8.2022, nằm trong Tủ sách ký ức của Book Hunter liên kết với NXB Đà Nẵng ấn hành. Hướng tới độc giả là thế hệ trẻ người Việt, dù đang sống trong nước hay nước ngoài, tác phẩm kể câu chuyện lịch sử trải qua nghìn năm Bắc thuộc đến những cuộc chiến chống ngoại xâm suốt từ thời dựng nước để có được một Việt Nam hôm nay.
Trong buổi trò chuyện mới đây khi trở về Việt Nam, tác giả Vĩnh Đào - Tiến sĩ Văn học Pháp, Viện Đại học Paris - Sorbonne chia sẻ: “sang Pháp sinh sống và làm việc từ năm 1983, tuy ở xa nhưng tôi vẫn luôn nhớ về nguồn cội. Những gì xảy ra với đất nước cũng là mối quan tâm của tôi, không có gì khiến tôi thờ ơ với quê hương xứ sở. Tôi cũng băn khoăn khi gặp một số bạn trẻ lớn lên xem mình như là người ngoại quốc, nói tới Việt Nam họ không quan tâm, không biết gì nhiều. Tuy nhiên, cũng có một số người ở Pháp bập bẹ tiếng Việt, lớn lên đã trở về, thậm chí có người chọn ở lại Việt Nam. Thật khó giải thích rõ điều gì khiến ta gắn bó với đất nước của mình, thôi thúc mỗi người trở về...”.
Những suy nghĩ trên cũng là lý do TS. Vĩnh Đào dành 8 tháng nghiên cứu tài liệu lịch sử của các tác giả trong và ngoài nước để viết cuốn sách về lịch sử Việt Nam, cố gắng lướt qua những giai đoạn “gian nan nhưng đầy phấn khởi của cuộc chiến gần như liên tục của một dân tộc để giành lấy độc lập và để sống còn”. Đồng thời, tác giả giới thiệu một số nét văn hóa và đặc điểm xã hội Việt Nam, giúp độc giả tiếp cận lịch sử Việt Nam dưới góc nhìn mới, thấy rõ hơn các chặng đường lịch sử cũng như tìm thấy những điều thú vị khi hiểu rõ hơn những nét độc đáo của văn hóa cổ truyền nước Việt.
Ban đầu, tác phẩm được viết bằng tiếng Pháp, xuất bản năm 1993, sau đó được dịch ra tiếng Anh. Các lần tái bản được cập nhật thông tin cho tới năm 2020. Ở bản tiếng Việt vừa ra mắt, cùng với lối viết đầy tha thiết tình yêu quê hương của tác giả, còn có sự tham gia phụ chú của nhà văn Hà Thủy Nguyên, in màu kèm theo tranh minh họa sống động của họa sĩ Tamypu cho diễn biến từng thời kỳ lịch sử, nhằm truyền cảm hứng, thôi thúc các bạn trẻ chủ động và hứng thú hơn khi tìm hiểu về lịch sử cội nguồn. Tác giả cho biết, bản tiếng Đức đang được chuyển ngữ và dự kiến ra mắt năm 2023.
Cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn khái quát về lịch sử Việt Nam
Ảnh: Book Hunter
Hiểu rõ nguồn cội để tự tin hội nhập
“Lịch sử Việt Nam rất hấp dẫn, nếu các bạn trẻ biết sẽ rất tự hào về quá khứ dân tộc” - TS. Vĩnh Đào nhận định. Trong “Thư ngỏ gởi bạn trẻ Việt Nam... muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình”, các sự kiện lịch sử trọng đại đất nước được trình bày ngắn gọn và tương đối khách quan. Tác giả “không có ý định giảng giải về việc tôn trọng nguồn gốc hay về truyền thống dân tộc, hay là giảng về lịch sử, địa lý… Tuy nhiên, người viết cuốn sách này muốn nêu lên cùng các bạn vài sự kiện thật kỳ diệu mà các bạn đã được nghe kể đâu đó nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa”.
"Vì một phép lạ nào mà dân tộc Việt Nam đã tránh được hiểm họa bị diệt vong? Còn tiếng Việt phát sinh từ đâu? Rồi được truyền lại cho chúng ta bằng cách nào? Còn chuyện này nữa: các bạn có biết rằng ngay trong thời kỳ Trung cổ tăm tối tại châu Âu, xã hội Việt Nam đã là một trong những xã hội có tổ chức quy củ nhất của thế giới văn minh thời đó, và nói về tính dân chủ thì xã hội Việt Nam đã hết sức tiến bộ vào thời buổi đó?"
Trong bối cảnh một số người trẻ không thích học lịch sử, không quan tâm về truyền thống dân tộc, chạy theo những trào lưu mới của thế giới, cuốn sách như lời nhắc nhở: ngày nay, các bạn trẻ lớn lên, hội nhập với thế giới, nhưng điều này không ngăn cản mỗi người nuôi dưỡng tình yêu nguồn gốc, tổ tiên.
TS. Vĩnh Đào khẳng định, không ai có thể từ bỏ nguồn gốc của mình, mà nó ảnh hưởng đến bản chất, tính tình, cách nhìn thế giới bên ngoài. Quá khứ của mỗi người không chỉ là thời thơ ấu của mình, mà còn là quá khứ của cha mẹ, ông bà, của những thế hệ đi trước đã xây dựng nên đất nước. Di sản đó mỗi người cảm nhận một cách khác nhau, nhiều hay ít tùy theo chúng ta trân trọng nó hay cố tình chối bỏ. Nhiều khi, vì muốn hội nhập thành công vào một xã hội mới, không ít người có khuynh hướng chối bỏ nguồn gốc. Tuy nhiên, chúng ta có thể tiếp nhận các giá trị của một nền văn hóa mới nhưng vẫn tôn trọng di sản văn hóa của tổ tiên có sẵn trong mỗi người.
TS. Vĩnh Đào hy vọng cuốn sách nhỏ sẽ giúp các bạn trẻ đi bước đầu tiên của hành trình tìm lại nguồn cội của mình. “Khi hiểu rõ và tự tin về cội nguồn, ta có thể vững tin để tiếp nhận những giá trị của nền văn hóa mới, tránh cho ta lầm lẫn, bắt chước những mặt thái quá hay tiêu cực của một lối sống mà ta dễ lầm tưởng là đặc tính của nền văn minh mới... Biết được lịch sử để tự hào - một cách đúng đắn, tự hào trong khiêm tốn”.
Thảo Nguyên