You are here

Sức cuốn hút lạ lùng của nhiếp ảnh

“Đã hơn 60 năm, tôi vẫn nhớ những buổi chiều ngồi trên vạt cỏ tại bến đò đảo Hoàng Tân, Yên Hưng, Quảng Ninh, chờ những chuyến đò qua sông, về nhà”… Bà Nguyễn Thị Lập, nguyên giáo viên Trường Bổ túc công nông Quảng Ninh bồi hồi nhớ lại khi tham dự lễ ra mắt cuốn sách ảnh “Tiếng gọi đò” của NSND Nguyễn Hữu Tuấn.

Vẻ đẹp của thời gian và ký ức

Với bà Lập, sau hơn nửa thế kỷ, được trở về những ngày tháng xưa qua hình ảnh bến đò, bãi sông, nghe câu chuyện trên mọi nẻo đường cầm máy của NSND Nguyễn Hữu Tuấn khiến bà không khỏi xúc động. Bà kể, mấy năm sơ tán ra đảo Hoàng Tân tránh máy bay Mỹ, những chiều muộn chờ đò, ngày nắng cũng như mưa, đông cũng như hạ, cô nữ sinh trung học khi đó “chỉ mong được chụp một tấm ảnh, lưu lại những ngày đáng nhớ ấy”.

NSND Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ về nhiếp ảnh tại buổi trò chuyện “Tiếng gọi đò: Tiếng vọng về ký ức”, sáng 4.6. Ảnh: HS

 

NSND Nguyễn Hữu Tuấn không có may mắn làm toại nguyện ước mơ của bà Lập bằng các tấm ảnh của mình, song ông hiểu giống như nhiều phụ nữ khác, đến một giai đoạn trong cuộc đời, bà Lập sẽ tìm về ký ức xưa. Đó cũng là nguồn cơn để ông ghi lại hình ảnh những người phụ nữ tại bến đò ở các vùng, miền nông thôn suốt từ năm 1987 - 2018.

 

“Tôi đã gặp gỡ nhiều phụ nữ ở bến sông, bến đò, chợ dân sinh, tại nhiều thời điểm trong ngày. Họ thuộc nhiều thành phần, người chờ đò, người chèo đò, đa phần là những người chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Tôi luôn thấy họ đẹp, và tôi yêu những con người đó, yêu đất nước đã sinh ra những con người như vậy. Cũng như tôi đã đi qua nhiều vùng quê Việt Nam, chụp ảnh về những con người, những ngôi làng… Tôi thấy không có nơi nào đẹp hơn đất nước chúng ta bởi chính những con người bình dị đó”.

 

Đến một ngày, những bến đò, bãi sông sẽ chỉ còn trong ảnh. Cuộc sống đi lên và những bến đò sẽ được thay thế bằng những chiếc cầu, dần thiếu vắng tiếng gọi đò, cả ánh mắt dõi tìm người lái đò thấp thoáng trong màn sương giăng nơi bến sông… Nghĩ vậy, NSND Nguyễn Hữu Tuấn đã tìm đến những bến đò truyền thống quen thuộc của dân cư Bắc bộ, như bến đò Kim Lan, Đông Trù (Hà Nội), bến đò Nương (Hiệp Hòa, Bắc Giang), bến đò Vân (Bắc Ninh)... với những câu chuyện riêng tư, những tâm tình ấp ủ.

 

“Tôi đã ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của thời gian và ký ức, nỗi niềm chung của những người con xa quê trước sự biến đổi nhanh chóng của làng”. Và "trên đò không chỉ có nắng, có gió, có vị ngọt của dòng sông mà còn có vị mặn của dòng đời", NSND Nguyễn Hữu Tuấn viết trong cuốn sách của mình.

 

"Tiếng gọi đò" là cuốn sách ảnh đầu tiên của NSND Nguyễn Hữu Tuấn, gồm 85 bức ảnh chọn lọc từ hàng nghìn bức ông chụp từ 1987 - 2018, thời kỳ giáp ranh, chuyển đổi giữa nếp sống và kỹ thuật truyền thống với xã hội hiện đại, có sự xuất hiện của cơ giới hóa, và bến phà, cầu đường mới. Theo nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng, khi cuộc sống thay đổi, nhiều sinh hoạt, cảnh vật không còn nữa thì bức ảnh chính là một nhân chứng lịch sử. Bến đò, tiếng gọi đò, người dân đi lại qua sông là phần hiện hữu của văn minh lúa nước Việt Nam trong quá khứ, còn kéo dài đến bây giờ, dù tính chất của con đò và bến đò đã rất khác. "Chính những bức ảnh này làm người ta nhớ nhung, đôi khi lưu luyến một quá khứ không lặp lại - một kỷ niệm của bất kỳ ai từng đi đò, chờ đò và sống trong sự yên bình của làng xã sông nước Việt".

 

Chỉ chụp theo cảm xúc

 

Xem các tác phẩm ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn, dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ nhận xét, chúng khiến ta nghe thấy tiếng người trong tiếng gió, tiếng sóng; gợi ngay được quang cảnh sông nước mênh mang, với màu sắc và không khí ở mỗi thời khắc trong ngày, trong mùa… “Tấm ảnh hai người đàn bà đang chờ đò, một đứng một ngồi bên chiếc xe đạp dựng vệ đường (ảnh bìa cuốn sách “Tiếng gọi đò”), vậy mà tôi có cảm giác như họ đang nghe thấy có tiếng gọi ‘đò ơi...’ cất lên trong mênh mang trời chiều. Lạ hơn nữa, hai gương mặt phụ nữ ấy như đang chìm trong suy tưởng về những gì sâu xa hơn, chứ không chỉ là mong chờ con đò mau đón họ qua sông, đến hoặc về một nơi nào. Sức mạnh của nhiếp ảnh là như vậy”.

 

Gần 100 bức ảnh được chọn lọc cho chủ đề này của NSND Nguyễn Hữu Tuấn hoàn toàn là ảnh đen - trắng, nhưng theo dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ, “không phải bức ảnh nào cũng tương phản sắc nét đến tận từng lá cây ngọn cỏ ở cảnh, từng nếp nhăn thớ vải ở người”. “Cái tài của tác giả là khiến cho ống kính ghi nhận cảnh vật gần như mắt người, khiến bức ảnh không còn khách quan như kết quả của quy luật vật lý nữa. Tôi tin rằng từ lúc quyết định bấm máy ở khoảnh khắc nào, cho đến quá trình in tráng và xử lý chế bản in, tác giả đã có những can thiệp kỹ thuật mà chỉ ông mới quyết định được, để hình ảnh cuối cùng phản ánh đúng những cảm xúc của mình ở thời điểm bấm máy”.

 

NSND Nguyễn Hữu Tuấn thì khẳng định: "Những cánh đồng, con người, tiếng nước chảy, mùa rơm rạ… tất thảy đều gây cảm xúc cho tôi. Tôi chỉ chụp theo tiếng gọi của nó. Không vì cái gì khác, không theo kỳ vọng của ai".

 

“Không còn lời nào cô đọng hơn để nói về niềm hạnh phúc của một nghệ sĩ nhiếp ảnh khi làm sống lại ký ức của những ngày tháng đã xa. NSND Nguyễn Hữu Tuấn mong muốn người xem tác phẩm của ông cảm nhận được cả mùi hương, tiếng nói, đặc biệt là đến hôm nay ghi lại được tiếng gọi đò, đằng sau đó là những suy ngẫm về cuộc sống, về nhân tình thế thái, thì quả thật nó cuốn hút đến lạ lùng”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.

 

Hương Sen 



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE