You are here

Phục hồi kinh tế thích ứng với đại dịch Covid-19

Chủ trì hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; đại diện các đại sứ quán, các cơ quan hợp tác phát triển quốc tế tại Việt Nam; các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội trong nước và quốc tế.

Tại điểm cầu tỉnh Nam Định, dự hội thảo có đồng chí Phạm Gia Túc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Lê Quốc Chỉnh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh; lãnh đạo một số Sở, Ban, ngành của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: trong hơn 1 năm qua, với nỗ lực to lớn, tinh thần quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, bằng các giải pháp xử lý đúng đắn, kịp thời và đồng bộ, Việt Nam đã kiểm soát tốt sự lây lan, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội và vẫn là một điểm sáng trên thế giới. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là đợt dịch thứ 4 bùng phát, chúng ta phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến thảo luận của các chuyên gia, diễn giả quốc tế và các đại biểu tham dự hội thảo; làm rõ thêm một số vấn đề về kinh nghiệm, thực trạng, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: giải pháp thích ứng an toàn và kiểm soát dịch bệnh trong điều kiện chưa chủ động được vắc xin, đó là: công thức 5K, nâng cao năng lực hệ thống y tế và biện pháp tiếp cận toàn dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó ý thức của người dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Thủ tướng Chính phủ  yêu cầu công tác lãnh đạo phải tập trung thống nhất, tổ chức thực hiện phải linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình trên cơ sở siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực cán bộ, đảm bảo nguồn lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra. Thực hiện mục tiêu giữ vững kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn; tập trung chăm lo an sinh xã hội; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thủ tướng Chính phủ  khẳng định, đây là cơ hội để quản lý sự thay đổi, đồng thời khẳng định truyền thống tốt đẹp “đại đoàn kết” tạo nên sức mạnh dân tộc Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo các chuyên đề về: phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng với đại dịch; quản trị và ứng phó với đại dịch Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian qua; tăng cường hiệu quả hệ thống thông tin trong phòng chống đại dịch Covid-19.

Hội thảo được tổ chức mang nhiều ý nghĩa và hết sức thiết thực nhằm triển khai, cụ thể hóa các kết luận quan trọng của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IV về một số vấn đề kinh tế - xã hội trên tinh thần mới, đó là: đổi mới tư duy, phương thức về phòng chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với phục hồi, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh; thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19. Hội thảo cũng là dịp để các địa phương cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm khắc phục các đứt gãy kinh tế, tăng cường phối hợp hành động nhằm thực thi thắng lợi “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới./.

T/h: Lê Hải 



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE