You are here
Phát triển Chính phủ điện tử Nên thành lập ban chỉ đạo cấp địa phương
Phân mảnh và có nhiều đầu mối được coi là thách thức lớn nhất trong thực hiện Chính phủ điện tử ở cấp địa phương. Để giải quyết vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông NGUYỄN QUANG ĐỒNG cho rằng, cần sớm thành lập ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử ở cấp địa phương, và người đứng đầu tốt nhất là chủ tịch UBND tỉnh.
Vướng về kết nối, liên thông
- Theo ông, việc thực hiện Chính phủ điện tử có những thách thức nào cần giải quyết trong thời gian tới?
- Tôi cho rằng có 5 thách thức sắp tới cần phải giải quyết:
Trước tiên, về mặt tiếp cận, hiện nay tư duy về dự án công nghệ thông tin vẫn khá phổ biến ở các tỉnh. Hầu hết các tỉnh chưa có một chiến lược tổng thể về xây dựng một hệ thống Chính phủ điện tử, mà đa phần đang chạy theo từng dự án công nghệ thông tin. Rõ ràng việc có nhiều cổng kết nối là hệ quả của một giai đoạn khá dài chúng ta đi theo từng dự án. Làm thế nào để có thể kiểm soát được tiến trình các dự án của công nghệ thông tin, việc đầu tư và phân cấp trong các công đoạn phải minh bạch và hiệu quả rõ ràng là một thách thức rất lớn.
Hai là, vấn đề về cát cứ và phân mảnh về mặt dữ liệu. Nếu chúng ta muốn có một hệ thống hành chính và dịch vụ công tập trung thì trước hết sau giai đoạn số hóa dữ liệu sẽ phải tiến hành liên thông về kết nối và dữ liệu. Đây cũng đang là một khó khăn rất lớn ở các địa phương.
Ba là, rủi ro về lãng phí ngân sách từ những dự án công nghệ thông tin. Khi các chủ trương Chính phủ điện tử là ưu tiên lớn, Chính phủ dành khá nhiều ngân sách cho các địa phương để làm. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều dự án đang được thực hiện khác nhau. Nếu hệ thống hành chính của quốc gia là một thể thống nhất thì tại sao các tỉnh lại phải lập những dự án riêng về công nghệ thông tin. Nó có thể gây ra chồng lấn và lãng phí.
Bốn là, bảo vệ các dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư. Khi số hóa toàn bộ hệ thống thông tin, có những thông tin rất nhạy cảm, quan trọng như danh tính của cá nhân, danh tính trong giao dịch hành chính với chính quyền. Một khi người khác nắm được những thông tin đó thì việc mất tài khoản, bị lợi dụng sẽ xảy ra và hệ quả rất lớn. Do đó, song song với câu chuyện xây dựng Chính phủ điện tử thì vấn đề bảo mật, an toàn, đặc biệt là an toàn về dữ liệu cá nhân rất quan trọng. An toàn dữ liệu này không chỉ đến từ phía Chính phủ mà còn ở cả phía người dùng. Vì vậy, nâng cao nhận thức về an toàn, kỹ năng an toàn cho người dân phải đặc biệt quan tâm.
Cuối cùng là, mức độ tiếp nhận Chính phủ điện tử của người sử dụng dịch vụ như thế nào. Chúng ta mới chỉ đang nói đến phía cung, tức là cung cấp dịch vụ. Nhưng nhiều nơi người dân chưa biết cách sử dụng dịch vụ này. Vì vậy, cần tuyên truyền cho người dân biết được chúng ta đã có dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4 như thế nào và hướng dẫn cách sử dụng dịch vụ đó cho họ.
- Dường như ông nhấn mạnh đến thách thức trong việc thực hiện Chính phủ điện tử ở địa phương hơn là ở cấp bộ, ngành. Vì sao vậy?
- Địa phương là nơi diễn ra nhiều giao dịch hành chính nhất và nếu địa phương điện tử hóa, số hóa được thì lợi ích sẽ rất lớn. Nhưng ở cấp bộ cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự về kết nối, liên thông. Đơn cử như vấn đề bằng lái xe, nếu hệ thống Chính phủ điện tử vận hành tốt sẽ có một dữ liệu liên thông giữa bên ngành giao thông vận tải với ngành công an, khi đó câu chuyện cấp lại bằng lái sẽ rất dễ dàng. Đằng sau ấy là câu chuyện về cách điều phối, phối hợp giữa các ngành. Làm thế nào để các ngành ngồi lại với nhau cùng chia sẻ dữ liệu, phân cấp thẩm quyền của nhau và kiểm soát trách nhiệm lẫn nhau mới là cái khó.
- Khó khăn nhất trong kết nối dữ liệu là gì, thưa ông?
- Chúng ta đang có 6 đề án quốc gia về xây dựng dữ liệu quốc gia. Cho nên, chuyện số hóa không khó về mặt kỹ thuật, tức là số hoá từ dữ liệu giấy sang điện tử. Nhưng liên thông dữ liệu ấy như thế nào và tổ chức phân tầng về dữ liệu để từng cấp có thẩm quyền truy cập ra sao mới là quan trọng. Chẳng hạn như, một cơ sở dữ liệu quốc gia về mảng tài sản sẽ có tài sản về xe máy, đăng ký xe máy, chủ xe máy là ai. Trong những thông tin đó, công an được kiểm soát đến đâu khi điều tra về mất cắp tài sản; tai nạn giao thông, còn khi cần xác nhận về tài sản cầm cố thế chấp thì ngân hàng được truy cập đến đâu.
Như vậy, để phân tầng dữ liệu cần bước 1 là tạo ra dữ liệu, bước 2 là thống nhất hóa dữ liệu, bước 3 là phân tầng cho từng mức độ truy cập. Việc phân tầng sẽ gắn với giám sát trách nhiệm, quy trách nhiệm cụ thể khi xảy ra sự cố.
Đặc thù hành chính của Việt Nam là mỗi bộ, ngành thường sẽ có lợi ích riêng khi nắm một cơ sở dữ liệu. Làm thế nào chống được lợi ích riêng đó mà có thể hợp nhất được với nhau rõ ràng là thách thức lớn. Câu chuyện này chỉ có thể được giải quyết bằng những người đứng đầu mà có tầm nhìn rộng, có thể áp đặt được kỷ luật hành chính lên tất cả đơn vị liên quan tham gia.
- Đây có phải là lý do để thời gian tới chúng ta xây dựng một Nghị định về kết nối và chia sẻ dữ liệu số không, thưa ông?
- Hiện tại, Chính phủ đã đề ra kế hoạch xây dựng các nghị định để “lấp” các khoảng trống về pháp lý. Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo về Nghị định chia sẻ dữ liệu. Vấn đề về bảo vệ dữ liệu cá nhân thì Bộ Công an đang chủ trì.
Thế nhưng, từ pháp lý đến thực tế luôn luôn là câu chuyện dài. Chúng ta có rất nhiều luật nhưng việc thực thi nó như thế nào thì cần một cơ quan mạnh để thúc các bộ, ngành chạy theo và thực thi. Khi đã có khung pháp lý, yêu cầu pháp lý về chuyện phải chia sẻ dữ liệu, nhưng chia sẻ như thế nào là câu chuyện của từng ngành, làm thế nào để đẩy mạnh và thực hiện đúng cam kết lộ trình đấy. Để giải quyết thách thức này, những đánh giá từ bên ngoài, áp lực từ người sử dụng lên hệ thống chính quyền rất quan trọng. Do vậy, một mặt Chính phủ cần có lộ trình, thước đo. Mặt khác, phải tham vấn thêm các tổ chức xã hội bên ngoài, sử dụng các khảo sát độc lập để biết được tiến độ đang ở đâu, từ đó tạo sức ép thay đổi lên bộ máy chính quyền.
Cần có “nhạc trưởng” để điều phối
- Thách thức về phân mảnh và có nhiều đầu mối ở các địa phương được coi là lớn nhất. Theo ông đâu là giải pháp?
- Bước quan trọng nhất là cần sớm thành lập được ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử ở cấp địa phương. Ban chỉ đạo này cần phải có một “nhạc trưởng” để điều phối. Trong trường hợp này tốt nhất là một chủ tịch UBND tỉnh, bởi vì đây là câu chuyện về xây dựng hành chính.
Tiếp đến là phải có kế hoạch tổng thể xây dựng Chính phủ điện tử ở địa phương để vẽ ra lộ trình thống nhất cho địa phương. Sau đó mới tính toán đến dự án công nghệ thông tin cụ thể như thế nào. Như vậy mới tránh được bài toán về phân mảnh và lãng phí về ngân sách. Các tỉnh khác có thể tham khảo các tỉnh đã làm tốt vấn đề này như Thừa Thiên Huế đã chống phân mảnh, hợp nhất các cơ quan lại với nhau.
- Khi xây dựng được Chính phủ điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xây dựng thành phố thông minh, thưa ông?
- Xây dựng thành phố thông minh là một vấn đề nằm trong kiến trúc tập thể của hệ thống Chính phủ điện tử. Thực tế, đô thị thông minh có vẻ đang được áp dụng riêng cho các đô thị. Nhưng thực chất nó phải được xuất phát từ chức năng của hệ thống chính quyền. Chính quyền nông thôn hay chính quyền đô thị thì Chính phủ điện tử giải quyết hai vấn đề và chức năng lớn của bộ máy nhà nước đó là cung cấp dịch vụ công điện tử và chức năng về quản trị, xây dựng chính sách. Khi đã có dữ liệu về giao thông, dân cư, giáo dục, y tế sẽ giúp cho việc hoạch định chính sách của địa phương tốt hơn. Thế nên, câu chuyện về đô thị thông minh bản chất là số hóa tất cả dữ liệu từ đấy đưa ra một quy hoạch, chiến lược đặc biệt. Hiện nay, chúng ta đang hơi chạy theo tư duy đề án. Đề án Chính phủ điện tử, đề án đô thị thông minh, đề án số hóa, đề án cơ sở dữ liệu... Do đó, cần có tầm nhìn tổng thể và không để bị xé lẻ đề án vì mỗi đề án là có lợi ích đằng sau đấy.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Đại biểu Nhân dân
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
TIN KHÁC ĐÃ ĐĂNG
TIN XEM NHIỀU

ĐỌC NHIỀU NHẤT
CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ PHÁT SÓNG
Thời tiết
LIÊN KẾT WEBSITE





