You are here

Cán bộ “6 dám” - nhìn từ thực tiễn cơ sở - Bài 1: Phác dáng hình hài người cán bộ vì nước, vì dân

LTS: Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn khuyến khích và ủng hộ cán bộ có tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Thực tiễn cho thấy, luôn có những cán bộ dám “đứng mũi chịu sào”, dám đột phá vì sự phát triển của địa phương, đơn vị. Tuy vậy, để biến tinh thần ấy thành hành động trong đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp thì còn nhiều vấn đề đang đặt ra. Từ kết quả khảo sát tại nhiều địa phương, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài viết “Cán bộ “6 dám” - nhìn từ thực tiễn cơ sở”.

Bài 1: Phác dáng hình hài người cán bộ vì nước, vì dân

1. Ngược dòng lịch sử, vào những năm 60 của thế kỷ 20, đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc được cả nước biết đến là người đã “xé rào” cơ chế với chủ trương “khoán hộ” trong nông nghiệp. Chủ trương “khoán hộ” là hướng đi tích cực, tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục yếu kém về công tác quản lý tại các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc lúc bấy giờ.

“Khoán hộ” chính là những đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Trung ương từng bước hoạch định chủ trương đổi mới quản lý trong nông nghiệp. Trên cơ sở thí điểm ở các địa phương, ngày 13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100-CT/TW về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp”. Lần đầu tiên khoán sản phẩm chính thức trở thành cơ chế quản lý mới trong cả nước với tên gọi “khoán 100”. Ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp” (còn gọi là khoán 10).

Bước vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới, một sự kiện làm nức lòng đồng bào miền Nam khi đó là quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về phương án giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Nam, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế. Giữa các phương án tìm nguồn điện cho miền Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chọn phương án xây dựng đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng với cáp điện 500kV, trải dài gần 1.500km đi từ miền Bắc, qua 14 tỉnh, thành phố để đưa điện vào Nam.

Ngày 5-4-1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra quyết định khởi công xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam và hạ quyết tâm hoàn thành trong 2 năm. Cho đến nay, các cán bộ lão thành ngành điện lực vẫn luôn khẳng định: Ông Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã giải quyết vấn đề cấp thiết của đất nước bằng một quyết định táo bạo và đánh cược bằng sinh mệnh chính trị của mình. Tâm, tầm và tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của người lãnh đạo mới có thể đưa đường dây điện dài nhất lịch sử về đích trong 2 năm. 

2. Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đồng chí Kim Ngọc là hai trong số rất nhiều cán bộ có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã được đất nước, nhân dân và lịch sử ghi nhận. Đây cũng là những minh chứng rõ nhất khẳng định rằng, trước những khó khăn, thách thức của đất nước, Đảng ta luôn có những “cánh chim đầu đàn", với tinh thần quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Quá trình khảo sát tại nhiều địa phương, chúng tôi được tiếp cận những con người như thế.

Tại huyện U Minh (Cà Mau), đến nay người dân còn nhắc nhiều đến cái tên Việt “keo lai”. Đây là biệt danh được mọi người đặt cho đồng chí Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Năm 2004, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Việt đã ký công văn chấp thuận dự án trồng cây keo lai trên đất U Minh Hạ. Thời điểm đó, tỉnh Cà Mau đặt ra mục tiêu phát triển rừng bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và lao động làm nghề rừng. Địa phương đã đưa dân cư vào rừng, kết hợp giao đất khoán rừng, liên doanh, liên kết... và dự án trồng keo lai ra đời. Cụ thể, ngày 2-4-2004, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Việt ký công văn chấp thuận dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy của Công ty Cổ phần Đồng Nai (CODONA) tại Lâm ngư trường Trần Văn Thời và Lâm ngư trường U Minh III với tổng diện tích 2.946ha. Đến ngày 10-5-2004, đồng chí Nguyễn Quốc Việt tiếp tục ký Quyết định số 34/QĐ-CTUB thu hồi 2.957,10ha đất của hai Lâm ngư trường U Minh III và Trần Văn Thời để CODONA thuê trồng rừng nguyên liệu giấy với giá 30 đồng/m2/năm (tổng giá tiền thuê đất là 887.130.000 đồng/năm).

Chuyện “động trời” này vô tình “động chạm” đến nhiều người. Người ta cho rằng, nhắc đến U Minh là nhắc đến cây tràm, “đặc sản” của U Minh. Vì vậy, đưa keo lai vào đây trồng sẽ mất rừng tràm, mất đi thương hiệu của U Minh. Người dân không đồng tình, áp lực của dư luận, cộng với tính cách thẳng thắn, để tạo lòng tin cho các lãnh đạo và nhân dân lúc đó trong buổi họp báo, ông Việt khẳng định nếu không thành công thì sẽ từ chức.

Sau vài năm, mô hình trồng keo lai khẳng định về mặt giá trị kinh tế. Bình quân thu nhập đạt 200 triệu đồng/ha keo lai với thời gian thu hoạch rút ngắn được một nửa so với trồng tràm. Trong khi đó, thu nhập từ trồng tràm chỉ đạt 150-160 triệu đồng/ha, nhưng chu kỳ khai thác kéo dài từ 7 năm trở lên. Keo lai được xác định là một trong 6 ngành hàng được ưu tiên trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau.

Sự quyết liệt trong cách nghĩ, cách làm của ông Việt còn được thể hiện từ khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau (năm 1989-1994). Cụ thể, trước sức ép mặn-ngọt, tỉnh kiên quyết chỉ đạo phải ngăn mặn, giữ ngọt, còn nhân dân đang cần nước mặn để nuôi tôm, đồng chí Việt đã chỉ đạo để người dân trong huyện đắp đập hai lớp. Nghĩa là đập đắp không cao, chỉ nhỉnh hơn mực nước một chút, khi con nước lớn thì tràn qua đập và có nước để cho dân nuôi tôm. Nhắc lại chuyện này, ông Nguyễn Quốc Việt bộc bạch: “Lúc đó căng thẳng lắm, dù có thể mất chức, nhưng việc gì có lợi cho dân thì mình làm thôi!”.

Hiện nay, trong hệ thống chính trị của TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có một lực lượng cán bộ đang công tác nhưng từng có thời gian được bồi dưỡng, rèn luyện trong môi trường quân ngũ. Hiện tại, các đồng chí được giữ lại đã phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không ngừng rèn luyện, phấn đấu và phát triển ở một số vị trí. Điển hình trong số đó là đồng chí Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh. Họ là những “sản phẩm” của đồng chí Lư Văn Điền (85 tuổi), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ (tỉnh Cần Thơ trước đây bao gồm TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang hiện nay) trong những năm 1992-1996.

Đồng chí Lư Văn Điền nhớ lại: “Ngày đó, đội ngũ cán bộ ở cơ sở các tỉnh miền Tây Nam Bộ vừa thiếu, vừa yếu. Trong khi đó, các chiến sĩ Quân đội tại ngũ là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của địa phương, được giáo dục, rèn luyện trong môi trường Quân đội và đây là nguồn cán bộ rất chất lượng cho cơ sở. Nhưng nếu không có kế hoạch để bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng mà chỉ để anh em thực hiện nghĩa vụ quân sự xong rồi xuất ngũ thì rất lãng phí. Để tạo nguồn cho cán bộ cơ sở sau này, tôi đề xuất chủ trương: Sau khi chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì sẽ kéo dài thời gian thêm một năm nữa (ngân sách tỉnh chi trả phụ cấp, kinh phí hoạt động). Trong thời gian này, các thanh niên được tham gia hoạt động, “học việc” ở các ban, ngành, đoàn thể, sau đó sẽ chọn lọc những người ưu tú để bố trí làm việc ở một số lĩnh vực của địa phương”.

3. Thời gian qua, hàng loạt cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra sai phạm, rồi vướng vòng lao lý. Tiếp đó là nhiều cơ chế, chính sách chưa theo kịp với thực tiễn nên quá trình vận hành chính sách nảy sinh không ít bất cập... Những yếu tố này là nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý “co mình” lại, sợ sai không dám làm ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Có người lập luận “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn phải đứng trước hội đồng xét xử”...

Tất nhiên, những lập luận như trên chỉ là cá biệt của những cán bộ đã mang trong mình mầm mống của suy thoái. Thực tiễn chứng minh, dù ở bất kỳ ngành nào, lĩnh vực gì, ở tất cả địa phương, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn có những cán bộ “6 dám”. Đơn cử như tại tỉnh Cà Mau, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát diện rộng trên địa bàn tỉnh, đồng chí Hồ Trung Việt, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chính là người đề xuất cách ly người dân tại nhà thay vì đưa về các trung tâm cách ly tập trung.

Theo đồng chí Hồ Trung Việt, những ý tưởng mới, mang tính đột phá thường sẽ khó được chấp nhận nếu chưa kiểm nghiệm trên thực tiễn. “Đề xuất của tôi khi đó cũng có nhiều ý kiến phản đối, nhưng tôi đã làm cam kết, nếu sai sót sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngọc Hiển là huyện đầu tiên ở Cà Mau thực hiện cách ly y tế tại nhà, sau 10 ngày thấy được hiệu quả rõ nét nên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cho chủ trương triển khai trên toàn tỉnh. Tiếp đó, từ cách làm ở Cà Mau, 15 ngày sau, Thủ tướng Chính phủ đã cho áp dụng trên phạm vi cả nước”, đồng chí Hồ Trung Việt chia sẻ.

Hay như tại Bạc Liêu, một trong những lực đẩy mang đến thành công cho ngành công nghiệp năng lượng sạch của tỉnh, đó là tư duy đột phá, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Đồng chí Phan Thanh Duy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định: “Trong hai năm 2020 và 2021, đất nước ta nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng phải đối mặt với tình hình dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, phức tạp. Tại các tỉnh, thành phố khác, những dự án điện gió đang thi công dang dở và buộc phải tạm dừng. Nhưng đối với Bạc Liêu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, mạnh dạn cho phép lực lượng kỹ sư, công nhân, trong đó có cả các chuyên gia người nước ngoài tự cách ly, tự làm việc để kịp thời hoàn thành các nhà máy điện gió, đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ”.

Sự đột phá ấy đem lại hiệu quả to lớn. Trong vòng 10 năm trước đó (từ năm 2010 đến 2020), Bạc Liêu chỉ đưa vào vận hành được 62 trụ turbine gió với công suất 99,2MW. Nhưng chỉ trong hai năm (2020-2021), trên địa bàn toàn tỉnh đã lắp đặt được thêm 100 trụ turbine vừa trên biển lẫn trên bờ với tổng công suất 370MW hòa vào lưới điện quốc gia, đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh tiên phong trong cả nước về phát triển các dự án điện gió ngoài khơi...

Tiếp nối những chủ trương của Đảng về khuyến khích, ủng hộ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 quy định rõ các chính sách khuyến khích và biện pháp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Qua khảo sát tại nhiều địa phương, như: Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Ninh Bình, Nghệ An... lãnh đạo các địa phương đều chung khẳng định, Kết luận 14 của Bộ Chính trị như một làn gió mới về cơ sở, góp phần khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo và cổ vũ, động viên cán bộ các cấp dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung...

(còn nữa)

Nhóm PV Báo QĐND



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE